BSCKII. Phùng Thị Thúy Hằng, Phó trưởng khoa Mắt tại Bệnh viện Bạch Mai chia sẻm môi trường ngập nước, ẩm thấp và ấm áp (20-30 độ C) là điều kiện lý tưởng để các loại vi khuẩn gây bệnh cho mắt sinh sôi và phát triển mạnh mẽ. Trong thời gian bão lũ hiện tại, nước bẩn trong mưa lớn gây ra ngập lụt khiến bệnh đau mắt trở thành mối đe doạ hơn bao giờ hết.
Việc thiếu nước sạch kết hợp với điều kiện vệ sinh kém trong mưa lũ đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đau mắt đỏ, đặc biệt ở trẻ em dưới 15 tuổi và người già trên 60 tuổi. Đây là bệnh lây lan nhanh, cần chú ý vệ sinh mắt tránh bùng phát thành dịch lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây viêm kết mạc rất đa dạng, bao gồm cả vi khuẩn như phế cầu, tụ cầu, liên cầu. Ngoài ra là các loại vi khuẩn mà đặc biệt là vi khuẩn Adenovirus, thường lây lan mạnh gây ra các vụ dịch lớn (viêm kết mạc họng hạch) do đặc tính lây qua đường hô hấp và khả năng tồn tại được lâu ở ngoài môi trường.
Khi vừa nhiễm bệnh, người bệnh sẽ có tình trạng bị đỏ và ngứa ở hai mắt nên thường đưa tay lên dụi mắt. Hành động này sẽ gây kích ứng làm trầy xước bề mặt mắt, tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và gây nhiễm trùng, dễ dẫn đến bội nhiễm.

Triệu chứng
Thông thường, sau khi tiếp xúc với nguồn lây từ 2-3 ngày, người bệnh sẽ bắt đầu cảm thấy ngứa ngáy, cộm mắt và nhạy cảm với ánh sáng. Mắt sẽ bị đỏ, chảy nước mắt nhiều, đặc biệt là vào buổi sáng khi thức dậy, mi mắt có thể bị dính chặt vào nhau bởi lớp ghèn dày.
Ban đầu, người bệnh thường chỉ bị đau một bên mắt, sau vài ngày sẽ lan qua bên mắt còn lại, tạo nên tình trạng viêm đỏ ở cả hai mắt.
Trong trường hợp nặng, bệnh gây tổn thương đến giác mạc gây viêm giác mạc, khiến thị lực giảm và ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể sốt nhẹ, chảy nước mũi, sưng hạch trước tai hoặc hạch góc hàm, viêm họng, amidan sưng viêm.
Những cách phòng ngừa
Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ, người dân cần chú ý :
- Không dụi mắt: Khi mắt bị ngứa, hãy dùng khăn sạch lau nhẹ nhàng.
- Vệ sinh tay thường xuyên: Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước và sau khi chạm vào mắt.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân: Tránh dùng chung vật dụng cá nhân để tránh lây nhiễm chéo.
- Điều trị bệnh kịp thời: Khi có dấu hiệu viêm mắt, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng cách, tránh lây lan trong cộng đồng.
Trong thời điểm hiện tại, nhiệt độ ấm áp kết hợp với độ ẩm cao sau mưa tạo thành lũ là môi trường sống hoàn hảo cho vi khuẩn gây bệnh mắt. Hãy chú ý vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, đảm bảo sức khoẻ cho bản thân và người xung quanh.