Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Nhiệt miệng – giải pháp ‘đẩy lùi’ bệnh cực nhanh

(VOH) - Hầu như ai cũng từng bị nhiệt miệng, vấn đề chỉ là bị nhiều hay ít mà thôi. Nhiệt miệng dễ gặp, gây nhiều đau đớn nhưng nếu biết cách khắc phục thì nhiệt miệng sẽ không còn là ‘nỗi ám ảnh’.

1. Nhiệt miệng là gì?

Nhiệt miệng hay loét áp-tơ là một vết loét ở vùng miệng hoặc vết rộp nhỏ, có màu trắng, vàng hoặc đỏ bao quanh. Chúng phát triển trên các mô mềm trong miệng hoặc ngay trên nướu.

Nhiệt miệng không giống như herpex ở môi, những vết loét không xảy ra trên bề mặt môi và không lây lan.

nhiet-mieng-giai-phap-day-lui-benh-cuc-nhanh-voh

Nhiệt miệng không gây nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho người bệnh (Nguồn: Internet)

Trong đời chắc ai cũng ít nhất một lần bị nhiệt miệng, thậm chí có người còn bị lặp đi lặp lại rất thường xuyên. Nhiều người cho rằng nhiệt miệng là một nỗi ám ảnh đối với họ vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến việc ăn uống hàng ngày, thậm chí không ăn uống, nuốt nước bọt cũng thấy đau rát.

2. Tìm hiểu nguyên nhân nhiệt miệng

Nhiệt miệng là một trong những bệnh có liên quan đến yếu tố môi trường, chế độ dinh dưỡng, sinh vật gây nhiễm trùng, độc tố trong chế độ ăn, ký sinh trùng hoặc do thiếu hụt dinh dưỡng.

Tổn thương trong miệng có thể do các nguyên nhân như:

  • Đánh răng quá mức.
  • Tai nạn khi chơi thể thao cắn vào má bên trong miệng.
  • Sử dụng thức ăn nhạy cảm.
  • Thiếu hụt lượng vitamin B12, kẽm hoặc sắt.
  • Phản ứng dị ứng với một số vi khuẩn trong miệng.
  • Những thay đổi hormone trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc do áp lực (stress).

Nhiều người thắc mắc “tại sao bị nhiệt miệng liên tục?”, điều này có thể xuất phát từ chế độ ăn uống của họ thiếu dinh dưỡng hoặc thường xuyên ăn những thực phẩm gây nóng trong người khiến bệnh nhiệt miệng hình thành thường xuyên.

3. Nhận biết dấu hiệu nhiệt miệng để không đoán nhầm bệnh

Những biểu hiện của nhiệt miệng cũng khá giống với những bệnh lý ở miệng, do đó bạn cần biết cách nhận biết để phân biệt đâu là bệnh nguy hiểm, đâu là bệnh thông thường. Khi bị nhiệt miệng, bạn có thể gặp những triệu chứng sau đây:

  • Xuất hiện một vết loét nhỏ, hình bầu dục, có màu trắng hoặc vàng hoặc xuất hiện vùng da đỏ gây đau trong miệng.
  • Có cảm giác ngứa râm ran trong miệng, đau miệng, ăn thức ăn (đặc biệt là đồ mặn) sẽ cảm thấy xót, đau, khó chịu vô cùng. Một số trường hợp, khi ăn bị đau đến nỗi chảy cả nước mắt.
  • Đôi khi xuất hiện những vết loét lớn, bùng phát nhiều vết loét trong miệng. Những trường hợp này thường đau buốt, sốt cao, thậm chí tiêu chảy, đau đầu.

Những dấu hiệu này sẽ biến mất dễ dàng và nhanh chóng nếu bạn điều trị đúng cách.

4. Trị nhiệt miệng bằng cách nào?

Thông thường, nhiệt miệng sẽ tự lành mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng nặng lên khiến bạn cảm thấy đau quá mức, khó chịu, không ăn uống được gì thì có thể áp dụng một vài phương pháp sau:

4.1 Súc miệng để rửa sạch vi khuẩn

nhiet-mieng-giai-phap-day-lui-benh-cuc-nhanh-voh

Dùng nước súc miệng chữa nhiệt miệng (Nguồn: Internet)

Bạn có thể tự làm nước súc miệng tại nhà bằng các nguyên liệu như baking soda, nước ép lô hội và nước ấm, súc miệng trong 10 – 15 giây, thực hiện đều đặn mỗi ngày để cải thiện tình trạng. Hoặc đơn giản, bạn chỉ cần pha nước muối loãng với nước ấm và cũng súc miệng, ngậm nước trong khoảng 10 – 15 giây rồi phun ra. Nhiều người cho rằng muối sẽ làm đau rát nên không dám thực hiện, tuy nhiên cách này không hề gây đau rát mà còn giảm đau, sạch miệng.

Lưu ý: Cách này chỉ nên dùng để súc miệng, bạn không được nuốt.

4.2 Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng vào chế độ ăn

Nếu bạn đang bị nhiệt miệng, hãy bổ sung thêm các chất dinh dưỡng như sắt, axit folic, vitamin B6, vitamin B12, kẽm,…Bên cạnh đó, đừng quên uống đủ nước mỗi ngày (1.5 – 2 lít/ngày) để tránh bị khô miệng.

4.3 Dùng thuốc điều trị nhiệt miệng

Các thuốc điều trị nhiệt miệng dạng bôi như benzocaine, fluocinonide, hydrogen peroxide hoặc thuốc trị nhiệt miệng dạng súc miệng như corticosteroid (dexamethasone).

4.4 Áp dụng phương pháp chườm lạnh

Chườm đá lạnh có tác dụng giảm đau và giảm sưng, vì vậy nếu cơn đau do nhiệt miệng khiến bạn khó chịu thì hãy đặt viên đá nhỏ lên vết nhiệt miệng, nó sẽ giúp làm dịu cơn đau và tình trạng viêm, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn.

4.5 Dùng trà để chữa nhiệt miệng

nhiet-mieng-giai-phap-day-lui-benh-cuc-nhanh-voh

Dùng túi trà để chữa nhiệt miệng (Nguồn: Internet)

Sau khi dùng trà túi lọc bạn đừng vội vứt ngay mà hãy dùng nó đắp vào vết loét. Hoạt chất tanin có trong trà có tác dụng làm dịu cơn đau và giảm viêm.

4.6 Sử dụng một số dược liệu

Mật ong, nước ép rau ngót, cỏ nhọ nồi,…là những dược liệu có thể giúp bạn giảm đau và đẩy đùi nhiệt miệng nhanh chóng. Bạn có thể dùng các dược liệu này thoa lên vị trí bị tổn thương.

Lưu ý: Trong thời gian bị nhiệt miệng, bạn nên tránh ăn đồ ăn cay, nóng, nướng và chiên nhiều dầu mỡ, những thực phẩm có tính axit, có tính mài mòn cao.

Thông thường, bệnh nhiệt miệng sẽ khỏi sau 7 – 10 ngày, nhưng nếu muốn rút ngắn thời gian thì bạn có thể áp dụng nhiều cách khác nhau vừa được kể trên. Hãy chọn cách nào phù hợp và thuận tiện nhất để tự chữa bệnh cho mình.

5. Nhiệt miệng khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Nếu nhiệt miệng kèm theo những triệu chứng sau đây thì bạn cần đến gặp bác sĩ để thăm khám kịp thời:

  • Sốt, tiêu chảy.
  • Nhức đầu.
  • Phát ban ở da, vết loét lớn một cách bất thường.
  • Nhiệt miệng kéo dài hơn 2 tuần, đã áp dụng cách chữa nhiệt miệng tại nhà nhưng vẫn không có tác dụng.
  • Vết loét khoét sâu vào môi, tiết dịch thường xuyên.

Những trường hợp bị nhiệt miệng kèm theo những biểu hiện sẽ khiến việc hấp thụ thức ăn bị cản trở, từ đó làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Chính vì thế, hãy nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám và chữa trị sớm nhất.

Bình luận