Những thói quen hàng ngày có thể làm tăng lượng đường trong máu

VOH - Tăng đường huyết là tình trạng cần thận trọng bởi nó tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.

Kiểm soát đường huyết không chỉ dựa vào thuốc, chế độ ăn mà còn liên quan đến vận động, thói quen sinh hoạt... Dưới đây là những thói quen hàng ngày có thể làm tăng lượng đường trong máu.

Ảnh minh họa - 29-7-2024

Ảnh minh họa: Internet

Bỏ bữa sáng

Bữa sáng được coi là bữa ăn quan trọng trong ngày, điều này đặc biệt đúng đối với những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Theo các nhà nghiên cứu, việc bỏ bữa sáng có thể ức chế chức năng của tế bào beta ở tuyến tụy, nơi sản xuất insulin.

Tuy nhiên, chỉ bữa sáng thôi sẽ không đủ để giữ lượng đường trong máu ổn định. Những gì bạn ăn vào bữa sáng cũng rất quan trọng.

Bạn nên chọn những bữa ăn sáng cân bằng, chứa nhiều chất dinh dưỡng, ít calo để tốt cho bệnh tiểu đường chẳng hạn như trứng bác với rau bina hay nấm và cà chua.

Căng thẳng

Căng thẳng làm tăng lượng đường trong máu bởi nó làm tăng hormone cortisol. Khi cortisol tăng lên, nó khiến chúng ta ít nhạy cảm hơn với insulin của chính cơ thể hoặc với việc tiêm insulin.

Ngủ không đủ giấc

Theo các chuyên gia, khi ngủ đủ giấc bạn sẽ có một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần minh mẫn. Do đó, giấc ngủ rất quan trọng với mỗi người, đặc biệt là người tiểu đường.

Khi thức khuya nhiều hoặc thiếu ngủ, cơ thể sẽ tăng tiết hormone đói (ghrelin) và giảm tiết hormone no (leptin) làm tăng cảm giác thèm ăn. Chính thói quen ăn vặt nhiều hay ăn khuya dễ làm tăng chỉ số đường huyết.

Tình trạng thiếu ngủ, ngủ không ngon giấc còn tác động đến hormone insulin, cortisol và quá trình stress oxy hóa.

Điều này có thể làm ảnh hưởng xấu đến lượng đường trong máu ở người tiểu đường, và tăng nguy cơ đề kháng insulin ở người bình thường.

Caffeine

Lượng đường trong máu của bạn có thể tăng lên sau khi uống cà phê, ngay cả cà phê đen không chứa calo.

Tương tự đối với trà đen, trà xanh và nước tăng lực đều là những đồ uống có chất caffeine.

Mỗi người bị tiểu đường sẽ phản ứng với thực phẩm và đồ uống theo cách khác nhau, vì vậy tốt nhất bạn nên theo dõi phản ứng của chính mình.

Tuy nhiên các hợp chất khác trong cà phê lại có khả năng ngăn ngừa bệnh tiểu đường loại 2 ở những người khỏe mạnh.

Mất nước

Nước rất quan trọng trong các hoạt động của cơ thể, đặc biệt là thận và gan để đào thải các chất độc ra ngoài. Nếu không được cung cấp đủ nước, cơ thể sẽ không thể hoạt động bình thường và lượng đường trong máu có thể tăng lên.

Bên cạnh đó, cơ thể thiếu nước còn tăng tiết hormone căng thẳng (stress hóa) kháng insulin làm tăng đường huyết.

Do đó, việc uống đủ nước (ít nhất 2 lít) mỗi ngày sẽ giúp ổn định chỉ số đường huyết và phòng ngừa các biến chứng tim mạch ở người tiểu đường.

Chăm sóc răng miệng kém

Bệnh về nướu răng từ lâu đã được coi là một biến chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nướu răng không khỏe mạnh thực sự có thể làm tăng lượng đường trong máu.

Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA), bệnh nướu răng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cũng như gây viêm khắp cơ thể, cả hai đều có thể là yếu tố làm tăng lượng đường huyết.

ADA khuyến cáo những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 nên chăm sóc nướu nhiều hơn bằng cách đánh răng hai lần mỗi ngày, dùng chỉ nha khoa và đến gặp nha sĩ thường xuyên để kiểm tra.

Không hoạt động thể chất

Các hoạt động thể chất rất quan trọng trong việc giữa ổn định chỉ số đường huyết và kiểm soát tình trạng tiểu đường type 2.

Ngoài việc giúp duy trì cân nặng, việc tập thể dục thường xuyên còn làm giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim.

Theo các chuyên gia sức khỏe, hoạt động thể chất sẽ làm tăng độ nhạy insulin trong cơ thể, giúp các tế bào loại bỏ đường khỏi máu và sử dụng nó để làm năng lượng.

Bình luận