Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Phẩu thuật thành công cô gái 20 năm đi bằng mũi bàn chân

VOH - Một cô gái sống ở Sóc Trăng vừa trải qua ca phẫu thuật chỉnh hình phức tạp sau gần hai thập kỷ phải di chuyển bằng tư thế nhón gót do dị tật bẩm sinh ở bàn chân.

Hành trình 20 năm chỉ đi bằng mũi chân

Bệnh nhân V.P.N, 20 tuổi sinh ra với dị tật bàn chân khoèo bẩm sinh ở chân phải. Mặc dù đã trải qua phẫu thuật chỉnh hình lúc nhỏ, nhưng do biến chứng bàn chân phải vẫn còn bị cong vòm và gân gót co rút. 

Điều này khiến cô chỉ có thể đi lại bằng cách nhón gót và sử dụng mũi chân để di chuyển, gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý.

Nguy cơ tàn tật suốt đời vì dị tật chân khoèo

Theo các chuyên gia y khoa, dị tật bàn chân khoèo bẩm sinh là một trong những tình trạng khó điều trị nhất nếu không can thiệp kịp thời, người bệnh có nguy cơ phải sống chung với tình trạng tàn tật vĩnh viễn.

Theo thống kê, tỉ lệ mắc dị tật này là khoảng 1/1.000 trẻ sơ sinh. Nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân có thể mất khả năng vận động bình thường, dáng đi bất thường gây ra nhiều hệ lụy về cả thể chất lẫn tinh thần.

voh-benh-lien-cau-lon-la-gi-lay-sang-nguoi-qua-con-duong-nao-thumb-5
Bàn chân của bệnh nhân trước (ảnh trái) và sau khi phẫu thuật (ảnh phải) Ảnh: BVCC

Bác sĩ Phan Văn Tiếp, chuyên gia Chấn thương chỉnh hình tại Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long, cho biết: “Đây là một trường hợp rất hiếm gặp và đầy thử thách. Bàn chân của bệnh nhân đã bị biến dạng quá lâu, cần một ca phẫu thuật phức tạp để có thể khôi phục hình dáng và chức năng vận động bình thường”.

Giải pháp phẫu thuật triệt để khôi phục chức năng đi lại

Sau khi thăm khám kỹ lưỡng và trao đổi với người nhà, đội ngũ y bác sĩ đã quyết định thực hiện phẫu thuật tạo hình gân gót và cân chỉnh lại bàn chân cho bệnh nhân. 

Cuộc phẫu thuật bao gồm cắt xương để điều chỉnh lại trục bàn chân, đồng thời cố định bằng đinh và băng bó cẳng chân để đảm bảo sau khi hồi phục, bàn chân có thể đạt được góc 90 độ như bình thường.

Kết quả sau ca phẫu thuật rất khả quan: bàn chân của cô gái đã khôi phục hình dáng giải phẫu chuẩn, giúp cô có thể đứng và đi lại một cách bình thường. Hiện tại, bệnh nhân đang trong quá trình hồi phục với những dấu hiệu cải thiện tích cực.

Bác sĩ Tiếp cho biết thêm: “Điều trị cho bệnh nhân mắc dị tật bàn chân khoèo ở giai đoạn sớm sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn, ít tốn kém và giảm thiểu rủi ro biến chứng. Việc phẫu thuật cho các bệnh nhân lớn tuổi, đặc biệt là những người đã chịu đựng biến dạng trong thời gian dài, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ thuật cao”.

Khuyến cáo điều trị sớm để tránh hậu quả nặng nề

Dị tật bàn chân khoèo không chỉ gây ra những tổn thương về thể chất mà còn ảnh hưởng lớn đến tâm lý người bệnh. Bác sĩ khuyến cáo rằng, việc phát hiện sớm các bất thường về xương khớp như chân khoèo, chân vòng kiềng, bàn chân phẳng, hay các vấn đề như ngực lõm, gối chữ O, gối chữ X cần được điều trị ngay từ khi còn nhỏ.

Đặc biệt, các bệnh lý xương bẩm sinh như hoại tử chỏm xương đùi, bệnh xương thủy tinh... cũng cần được can thiệp sớm để giảm thiểu những hệ lụy lâu dài, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và hòa nhập cuộc sống tốt hơn.