Bác sĩ CKII Bùi Thanh Vân cho biết, cơn đau khi sinh ở người phụ nữ thường diễn ra theo quá trình:
- Đầu tiên là các cơn đau co thắt dạ con, tiếp đến là cơn đau do cổ tử cung giãn nở.
- Khi phần thai tụt xuống để em bé “đi” ra ngoài, thai phụ sẽ bị đau do sự giãn nở của âm đạo và tầng sinh môn.
- Sau khi em bé ra đời, thai phụ vẫn bị đau do tầng sinh môn bị căng, âm đạo, âm hộ bị giãn...
Phụ nữ khi sinh sẽ phải trải qua những cơn đau dữ dội (Nguồn: Internet)
Với những thai phụ lần đầu sinh con và chưa có kinh nghiệm thường đến bệnh viện sinh trong trạng thái để “đau tự nhiên”. Vì thế, không ít mẹ bầu cảm thấy sợ hãi khi cuộc sinh kết thúc và tạo tâm lý không muốn sinh con thêm lần nữa.
Có cách nào giúp giảm đau khi sinh thường?
Theo bác sĩ Thanh Vân, trước kia các biện pháp giảm đau khi sinh thường được áp dụng cho mẹ bầu là:
- Tập các động tác về hít thở, tư thế nằm khi bị đau.
- Thực hiện các động tác massage để giúp thư giãn thần kinh.
- Hướng dẫn các tư thế vận động, đi lại để giúp sản phụ quên đi cơn đau. Cùng với các động tập thể dục cho vùng chậu để giúp giãn nở vùng chậu, cơ bắp dẻo dai và có sức khỏe.
Tuy nhiên, hiện nay khi các tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng cao thì các bác sĩ đã cho ra đời nhiều phương pháp giảm đau khi sinh, trong đó có phương pháp gây tê ngoài màng cứng (hay còn gọi là phương pháp "đẻ không đau").
Gây tê ngoài màng cứng là một kỹ thuật gây tê được thực hiện bằng cách đưa một lượng thuốc tê vừa phải vào khoang ngoài màng cứng để làm tê liệt các đầu dây thần kinh tại vùng đó, trong khi những vùng khác vẫn có cảm giác bình thường.
Gây tê ngoài màng cứng và gây tê tủy sống – giống hay khác nhau?
Nhiều người cho rằng, gây tê ngoài màng cứng và gây tê tủy sống là cùng một phương pháp. Tuy nhiên, bác sĩ Thanh vân cho biết, đây là 2 phương pháp hoàn toàn khác nhau.
- Gây tê ngoài màng cứng: thuốc tế chỉ tiêm bên ngoài màng cứng, không xâm nhập vào bên trong tủy sống.
- Gây tê tủy sống: thuốc tê sẽ được tiêm trực tiếp vào bên trong tủy sống.
Gây tê ngoài màng cứng là phương giúp giảm đau khi sinh hiệu quả (Nguồn: Internet)
Ngoài ra, 2 phương pháp này còn có những sự khác nhau cơ bản như:
|
Gây tê ngoài màng cứng |
Gây tê tủy sống |
Hình thức sinh nở |
Áp dụng khi sinh thường. |
Áp dụng khi sinh mổ. |
Liều lượng thuốc |
Có thể tăng – tăng giảm liều lượng thuốc trong khi sinh. |
Chỉ tiêm 1 lần duy nhất trong ca mổ. |
Thời gian khởi phát tác dụng |
Tác dụng gây tê diễn ra một cách từ từ. |
Tác dụng gây tê diễn ra nhanh chóng. |
Mức độ tê |
Có thể kiểm soát được mức độ tê. |
Không tự kiểm soát được mức độ tê. |
Chất lượng cuộc giảm đau |
Mức độ giảm đau có thể nhiều, có thể ít tùy vào từng trường hợp. |
Khả năng giảm đau cao hơn nếu thai phụ dung nạp thuốc. |
Khả năng ức chế vận động |
Ức chế một cách từ từ. |
Ức chế hoàn toàn (từ vùng bụng trở xuống sẽ không còn cảm giác và cũng không thể vận động). |
Phản ứng phụ |
Cả 2 phương pháp đều có gây ra những phản ứng phụ. Tùy vào từng phương pháp sẽ có những triệu chứng khác nhau. |
Phương pháp gây tê ngoài màng cứng áp dụng thời điểm nào?
Theo bác sĩ Thanh Vân, phương pháp gây tê ngoài màng cứng hoàn toàn có thể được thực hiện ngay khi thai phụ có dấu hiệu đau bụng đẻ. Tuy nhiên, thông thường các bác sĩ sẽ không áp dụng ngay từ đầu vì những nguyên nhân sau:
- Chưa thể tiên lượng được cuộc chuyển dạ sẽ kéo dài trong bao lâu.
- Không tiên lượng được liệu thai phụ có thể sinh thường hay là phải sinh mổ.
- Thai phụ cần phải bước vào giai đoạn chuyển dạ thật sự (cổ tử cung mở 3 – 5 phân) để bác sĩ có thể thăm khám và đánh giá cổ tử cung, tim thai ở mỗi cơn gò... từ đó sẽ giúp tiên lượng được lượng thuốc tê phù hợp cho cuộc sinh nở.
Đương nhiên, vẫn còn có rất nhiều cách giảm đau khi sinh thường, tuy nhiên, gây tê ngoài màng cứng là một trong những phương pháp “đẻ không đau” an toàn, hiệu quả nhất hiện nay mà các mẹ bầu có thể tham khảo.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn của bác sĩ từ audio bên dưới: