Mách mẹ 6 cách ‘đẻ không đau’ khi sinh thường

(VOH) – Trước khi sinh, hầu hết các mẹ đều bị ‘ám ảnh’ rằng mình sẽ phải trải qua những cơn đau đớn vật vã. Tuy nhiên hiện nay có nhiều cách ‘đẻ không đau’ để giúp mẹ chuyển dạ nhanh chóng và dễ dàng.

Mỗi cuộc chuyển dạ có đặc thù riêng nên mức độ đau cũng khác nhau giữa các sản phụ. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tư thế của bé trong bụng mẹ, kích thước của bé, cường độ cũng như tần số cơn gò tử cung và đặc biệt là phụ thuộc vào tình trạng tâm lý của từng mẹ.

Và có thể nói, đau đẻ luôn là nỗi "ám ảnh" của các sản phụ trước, trong và sau sinh. Chính vì thế, làm thế nào để đẻ không đau luôn là mối quan tâm của rất nhiều mẹ bầu.

1. Làm thế nào để “đẻ không đau” khi sinh thường?

Hiện nay có khá nhiều cách có thể giúp mẹ bầu giảm bớt cơn đau đẻ trong quá trình sinh. Dưới đây là một số cách giúp mẹ bầu đẻ thường không đau.

1.1 Di chuyển nhiều hơn

Một trong những cách giúp mẹ bầu đẻ không đau là nên di chuyển nhiều hơn trước khi sinh. Trong quá trình chuyển dạ, khi cơn đau ập đến nhiều mẹ bầu thường có xu hướng ngồi hoặc nằm một chỗ để nghỉ ngơi, tuy nhiên trên thực tế, việc di chuyển vị trí, đi lại, thậm chí ngồi lên một quá hơi lớn lại có thể giúp mẹ loại bỏ bớt đau đớn.

mach-me-6-cach-de-khong-dau-khi-sinh-thuong-voh

Mẹ bầu ngồi lên một quá hơi lớn trước sinh có thể giúp mẹ loại bỏ bớt đau đớn khi chuyển dạ (Nguồn: Internet)

Không những thế, việc đi lại nhiều hơn trước khi sinh còn giúp thai nhi lọt được đúng xuống khung xương chậu của mẹ, từ đó khiến việc sinh nở diễn ra dễ dàng hơn.

1.2 Tắm nước ấm

Khi đang phải đối mặt với cơn đau chuyển dạ, sẽ chẳng mẹ bầu nào nghĩ đến việc tắm. Tuy nhiên, những cơn đau chuyển dạ thường khiến các vùng cơ trên cơ thể mẹ bị căng, khiến mẹ cảm thấy khó chịu. Nếu lúc này mẹ được tắm nước ấm bằng vòi hoa sen, mẹ sẽ cảm thấy được giảm bớt những cơn đau một cách rõ rệt.

1.3 Chườm ấm

Giống như việc tắm bằng nước ấm, chườm ấm có thể giúp mẹ giảm bớt độ căng trên cơ thể. Mẹ có thể chườm ấm ở vùng lưng, háng và lựa chọn chườm ấm bằng túi hạt lúa, bằng chai nước ấm. Tuy nhiên, cần chú ý không để nhiệt độ nước quá cao để tránh bị bỏng.

1.4 Massage

Có thể nói, massage chính là một trong những liệu pháp tuyệt vời nhất cho những cơn đau chuyển dạ và giúp mẹ đẻ không đau. Mẹ có thể nhờ chồng hoặc người thân massage nhẹ nhàng vùng lưng, chân, tay... để cơ thể được thư giãn, bớt căng thẳng, nhờ đó mà các cơn co thắt trong quá trình chuyển dạ cũng được kiểm soát một cách tốt hơn.

1.5 Tập thở

Thở đúng cách trong quá trình chuyển dạ có thể giúp mẹ giải tỏa được các vấn đề về tâm lý cũng như những căng thẳng của cơ thể. Đặc biệt, khi xuất hiện cơn co nếu mẹ tập trung thở theo bài thở chuyển dạ thì các cơn chuyển dạ sẽ trở nên thoải mái và dễ dàng hơn rất nhiều.

mach-me-6-cach-de-khong-dau-khi-sinh-thuong-1-voh

Thở đúng cách trong quá trình chuyển dạ có thể giúp mẹ giảm bớt cơn đau (Nguồn: Internet)

Thay vì la hét hay thở dồn dập liên tục khiến mẹ nhanh mất sức, mẹ nên tập trung hít sâu bằng mũi và thở ra từ từ bằng miệng khi có cơn đau. Mẹ có thể tập những bài tập thở tại các lớp học tiền sản hoặc theo các hướng dẫn trên mạng từ bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể cũng như tập những bài tập thở chính xác nhất.

1.6 Sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng

Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp đẻ không đau được rất nhiều mẹ bầu lựa chọn. Phương pháp này có thể giúp giảm đau trong quá trình chuyển dạ, giúp mẹ bầu giảm bớt áp lực tâm lý trong lúc sinh.

Thực hiện phương pháp gây tê ngoài màng cứng, cuộc chuyển dạ và sinh nở trở nên dễ dàng hơn, mẹ bầu hoàn toàn thoải mái và không bị mất sức, đặc biệt, phương pháp này an toàn cho thai nhi.

2. Vậy đẻ mổ có đau không?

Theo thống kê ở các bệnh viện phụ sản lớn, có khoảng 30 - 50% thai phụ được chỉ định biện pháp sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Bé sẽ được bác sĩ đưa ra khỏi tử cung thông qua cuộc phẫu thuật có sử dụng thuốc gây tê và kháng sinh dự phòng.

Trong quá trình sinh mổ, mẹ sẽ được gây tê toàn bộ phần thân dưới nên sẽ không cảm thấy đớn mặc dù vẫn cảm nhận được động tác của bác sĩ khi mổ hay lấy thai nhi ra. Lúc này, mẹ cũng hoàn toàn tỉnh táo và có thể chứng kiến giây phút bé yêu chào đời.

Sau phẫu thuật, khi thuốc gây tê đã hết tác dụng, mẹ sẽ bị đau tại vết mổ. Mức độ đau có thể từ trung bình đến dữ dội và kéo dài trong suốt 30 – 40 giờ.

Mẹ có thể được kê thuốc giảm đau nhưng các loại thuốc này không giúp mẹ giảm đau hoàn toàn và sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động hậu sản của mẹ sau này.

Trên đây là những phương pháp giúp giảm đau trong quá trình sinh thường mà mẹ có thể thử áp dụng để có được một cuộc "vượt cạn" dễ dàng hơn.