Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí y khoa JAMA cho thấy, vào năm 2018, người Mỹ đã sử dụng lượng melatonin nhiều hơn gấp đôi so với một thập kỷ trước đó.
Các chuyên gia cho biết nhiều người xem melatonin như một loại thảo dược bổ sung hoặc vitamin. Trên thực tế, melatonin là một loại hormone do tuyến tùng tạo ra, nằm sâu trong não và được giải phóng vào máu để điều chỉnh chu kỳ giấc ngủ của cơ thể.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mặc dù sử dụng melatonin có thể hữu ích trong việc gây ngủ nếu được sử dụng đúng cách - dùng ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ - nhưng lợi ích thực tế là rất nhỏ.
Theo Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp tại Viện Y tế Quốc gia, mặc dù việc sử dụng ngắn hạn cho những người bị say máy bay, những người làm việc theo ca và những người khó ngủ dường như là an toàn, nhưng sự an toàn lâu dài vẫn chưa được biết.
Melatonin có liên quan đến đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, co thắt dạ dày, buồn ngủ, nhầm lẫn hoặc mất phương hướng, khó chịu và lo lắng nhẹ, trầm cảm và run cũng như huyết áp thấp bất thường. Nó cũng có thể tương tác với các loại thuốc thông thường và gây dị ứng.
Chuyên gia về giấc ngủ Rebecca Robbins - Trường Y Harvard, một người hướng dẫn về giấc ngủ cho biết: “Trong một nghiên cứu liên kết, chúng tôi phát hiện ra rằng, những người lớn tuổi thường xuyên sử dụng - mỗi đêm hoặc hầu hết các đêm - thuốc hỗ trợ giấc ngủ (không kê đơn hoặc kê đơn) có nguy cơ cao mắc chứng mất trí nhớ và tử vong sớm".
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không thể xác định loại hỗ trợ giấc ngủ nào - thuốc không kê đơn, chẳng hạn như melatonin hoặc thuốc kê đơn - chịu trách nhiệm cho những phát hiện này.
Tác dụng phụ của melatonin
Nghiên cứu cho thấy kể từ năm 2006, một số người sử dụng lượng melatonin vượt xa liều lượng 5 miligam mỗi ngày – liều lượng thường được sử dụng như một phương pháp điều trị ngắn hạn.
Tuy nhiên, thực tế loại thuốc này có thể chứa hàm lượng melatonin cao hơn nhiều so với thông tin trên nhãn. Không giống như thuốc và thực phẩm, melatonin không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ quản lý, vì vậy không có cơ quan nào kiểm soát các công ty đảm bảo thuốc chứa lượng melatonin như trên nhãn.
Cũng không có bất kỳ yêu cầu nào buộc các công ty phải kiểm tra sản phẩm để tìm các chất phụ gia tiềm ẩn có hại trong các chất bổ sung melatonin. Các nghiên cứu trước đây cho thấy, 26% chất bổ sung melatonin có chứa serotonin, “một loại hormone có thể gây hại ngay cả ở mức tương đối thấp”.
Dùng quá nhiều serotonin bằng cách kết hợp các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc trị đau nửa đầu và melatonin có thể dẫn đến phản ứng thuốc nghiêm trọng. Các triệu chứng nhẹ bao gồm run rẩy và tiêu chảy, trong khi phản ứng nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến cứng cơ, sốt, co giật và thậm chí tử vong nếu không được điều trị.
Xem thêm: Kẹo dẻo hỗ trợ giấc ngủ chứa nhiều melatonin, CBD hơn quảng cáo
Robbins nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn trước đó về tác động của melatonin đối với trẻ em : “Có quan điểm cho rằng nếu nó là tự nhiên thì không gây hại gì. Sự thật là chúng ta thực sự không biết tác động của melatonin về lâu dài, đối với người lớn hay trẻ em”.