Tiêu điểm: Nhân Humanity

Suy thai: Nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí

(VOH) – Suy thai là một tình trạng nguy hiểm trong thai kỳ, ảnh hưởng rất lớn đến thai nhi vì có thể khiến trẻ bị động kinh, đần độn, các biến chứng về trí não sau khi sinh hoặc thậm chí là tử vong.

Suy thai là gì?

Suy thai là hiện tượng thai nhi bị thiếu oxy trong thai kỳ hoặc trong lúc chuyển dạ. Suy thai bao gồm 2 loại:

  • Suy thai cấp tính: Xảy ra một cách đột ngột trong khi chuyển dạ. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nhẹ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, thể chất của trẻ trong tương lai, nặng có thể tử vong ngay lập tức.
  • Suy thai mãn tính: Xảy ra một cách từ từ trong suốt thai kỳ, không có biểu hiện rõ rệt, khó phát hiện trên lâm sàng. Có thể chuyển thành suy thai cấp tính trong quá trình chuyển dạ.

suy-thai-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-xu-tri-voh

Suy thai là hiện tượng thai nhi bị thiếu oxy trong thai kỳ hoặc trong lúc chuyển dạ (Nguồn: Internet)

Nếu tình trạng suy thai được chẩn đoán và xử trí kịp thời sẽ làm tăng tỷ lệ thai nhi được cứu sống, vì thế thai phụ cần cần chú ý đến những dấu hiệu suy thai để có thể phát hiện và điều trị sớm

Cách nhận biết dấu hiệu suy thai

Các dấu hiệu chính của suy thai thường bao gồm:

  • Thay đổi màu sắc nước ối: Nước ối đổi màu từ trắng đục thành xanh hoặc màu vàng.
  • Trong nước ối có phân su.
  • Tim thai thay đổi nhanh trên 160 lần/phút, hoặc chậm dưới 100 lần/phút, hoặc không đều.
  • Cử động thai hỗn loạn: Lúc đầu thai cử động mạnh và nhiều hơn, đến giai đoạn sau thai đạp chậm và sau đó thì ngừng (thai không cử động nguy cơ thai chết lưu rất cao).

Trong thai kỳ nếu bị suy thai mẹ bầu sẽ cảm nhận được thông quá các dấu hiệu như:

  • Chiều cao tử cung phát triển khá chậm.
  • Cử động thai nhi trở nên hỗn loạn hoặc quá chậm. Để nhận biết dấu hiệu này mẹ có thể đếm nhịp cử động thai nhi.
  • Nhịp tim thai nhi thay đổi (dấu hiệu này thường được kiểm tra chính xác khi mẹ bầu khám thai định kỳ).
  • Ngoài ra, trong lúc làm xét nghiệm sẽ thấy: Nước ối có màu xanh bất thường và khi thức hiện monitor sản khoa, truyền oxytocin hay vê núm vú sẽ có xuất hiện nhịp chậm sớm (Dip I), nhịp chậm muộn (Dip II), tim thai không đáp ứng test không đả kích.

Nguyên nhân dẫn đến suy thai

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thai bao gồm:

  1. Nguyên nhân từ người mẹ

  • Tư thế nằm của mẹ: Mẹ nằm ngửa khiến tử cung đè ép vào động mạch chủ làm giảm dòng máu của mẹ.
  • Mẹ bị thiếu máu, huyết áp thấp.
  • Mẹ bị chảy máu do chấn thương khiến lưu lượng máu vận chuyển đến thai nhi không đủ.
  • Mẹ mắc phải các bệnh như tiểu đường, béo phì, suy tim, nhiễm virus....
  1. Nguyên nhân từ thai nhi

suy-thai-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-xu-tri-1-voh

Nguyên nhân suy thai có thể đến từ thai nhi (Nguồn: Internet)

  • Thai non tháng.
  • Thai quá ngày sinh.
  • Thai bị thiếu máu, nhiễm trùng, thai dị dạng, chậm phát triển...
  1. Nguyên nhân từ phần phụ của thai

  • Thai bị nhau tiền đạo, nhau bong non, suy nhau, bánh nhau bị vôi hóa...
  • Sa dây rốn hoặc thắt nút dây rối hay những bất thường khác ở dây rốn.
  • Vỡ ối sớm.
  1. Các nguyên nhân khác

  • Cơn co tử cung quá dài hoặc quá nhiều.
  • Đẻ khó do nguyên nhân cơ học.
  • Sử dụng thuốc gây mê, giảm đau, thuốc tăng co trong chuyển dạ không đúng liều, không theo chỉ định đều có thể dẫn đến suy thai.

Cách xử trí khi bị suy thai

Thông thường, trong quá trình thăm khám bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để phát hiện suy thai, chẳng hạn như theo dõi nhịp tim thai, soi ói, thử nghiệm oxytocin hay vê núm vú theo dõi bằng máy monitor sản khoa. Nếu nhận thấy dấu hiệu suy thai, tùy theo tiên lượng, bác sĩ sẽ cân nhắc các chỉnh định phù hợp.

suy-thai-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-xu-tri-2-voh

Thai phụ cần lưu ý dấu hiệu bất thường cơ thể để phát hiện kịp thời dấu hiệu suy thai (Nguồn: Internet)

Trong quá trình chuyển dạ, thai phụ cũng cần được theo dõi kỹ để kịp thời phát hiện dấu hiệu suy thai. Sau đó, tùy vào từng nguyên nhân suy thai bác sĩ sẽ có những cách xử trí thích hợp.

  • Nếu có nguyên nhân rõ ràng như sa dây rốn, nhau bong non, dọa vỡ tử cung, nước ối giảm, có phân su sánh đặc... thì cần thực hiện mổ lấy thai ngay.
  • Nếu không có nguyên nhân rõ ràng, thai phụ sẽ được hướng dẫn nằm nghiêng bên trái và thở oxy, tử cung không đè lên tĩnh mạch chủ dưới. Bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định đỡ đẻ cho thai phụ bằng kẹp Forceps, không đủ điều kiện Forceps thì sẽ mổ lấy thai.

Lưu ý: Với những trường hợp suy thai không nên thực hiện sinh đường âm đạo.

Phòng ngừa tình trạng suy thai bằng cách nào?

Mẹ bầu nên chủ động phòng ngừa tình trạng suy thai bằng cách:

  • Chuẩn bị đầy đủ kiến thức, sức khỏe cùng tâm lý tốt để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.
  • Trong thời gian mang thai nên thực hiện khám thai định kỳ đầy đủ.
  • Chú trọng chế độ dinh dưỡng, bổ sung thêm protein, vitamin, nguyên tố vi lượng để không bị phù nề, tăng huyết áp...
  • Tránh xa khói thuốc lá.
  • Không tự ý sử dụng thuốc.

Đặc biệt, nếu có những dấu hiệu bất thường như thai cử động ít, không cử động, ra máu, có cơn co tử cung kéo dài.... thì nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám ngay.

Vỡ ối – dấu hiệu sắp sinh mẹ bầu cần biết để chuẩn bị đón con yêu : Vỡ ối là hiện tượng thường xảy ra ở bà bầu trong những tháng cuối thai kỳ và nó cũng là một trong những dấu hiệu thông báo về việc em bé sắp sinh ra đời.
Giải mã hiện tượng dây rốn quấn quanh cổ thai nhi khiến nhiều mẹ bầu lo sợ : Khi thai nhi rơi vào tình trạng dây rốn quấn cổ đã khiến cho rất nhiều mẹ bầu lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Vậy sự thật hiện tượng thai nhi bị dây rốn quấn quanh cổ có nguy hiểm không?
Bình luận