Tác dụng của đậu ván trắng và các bài thuốc trị bệnh hiệu quả

(VOH) – Đậu ván trắng là loại cây được trồng phổ biến ở nước ta, thường dùng dưới dạng thực phẩm. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng tác dụng của đậu ván trắng còn có thể giúp chữa nhiều bệnh hiệu quả.

1. Đậu ván là gì?

Đậu ván có tên khoa học là Lablab purpureus là loại cây họ Đậu được trồng nhiều ở các nước nhiệt đới để dùng làm thực phẩm ở các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ, đặc biệt là ở Ấn Độ - nơi mà nhiều người cho rằng đậu ván xuất hiện lần đầu tiên.

Ở Việt Nam, đậu ván được trồng rải rác ở hầu khắp các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi thấp. Đậu ván được chia thành 2 loại là: đậu ván trắng và đậu ván tím (phân biệt dựa trên màu sắc của hoa và của quả, hạt).

2. Giá trị dinh dưỡng của hạt đậu ván

Trung bình trong 100g đậu ván sẽ chứa các chất dinh dưỡng sau:

  • Protein: 22,7g
  • Chất béo: 1,8g
  • Carbohydrate: 57g
  • Canxi: 0,46g
  • Photpho: 0,52g
  • Sắt: 0,1g
  • Vitamin A, B2, C, B1

Trong khuôn khổ bài viết này sẽ chia sẻ tác dụng của đậu ván trắng cũng như một số bài thuốc y học cổ truyền của loại đậu này.

3. Tác dụng của đậu ván trắng trong Đông y là gì?

Đậu ván trắng hay còn gọi là bạch biển đậu, bạch đậu, đậu biển, thúa pản khao (người Tày), tập bẩy pẹ (người Dao)... Muốn lấy hạt làm thuốc, vào khoảng tháng 9 – 10 khi quả chín già, thu hái về bỏ vỏ lấy hạt phơi khô.

Theo Đông y, đậu ván trắng có vị ngọt, tính hơi ấm, không độc, vào hai kinh Túc thái âm tỳ và Túc dương minh vị. Công dụng của đậu ván trắng là dùng làm thuốc bổ tỳ vị, tiêu hóa kém, chữa cảm nắng, miệng khát, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, tiểu tiện ra máu, phụ nữ khí hư, giúp giải độc rượu, cua, cá, tôm... 

tac-dung-cua-dau-van-trang-va-nhung-bai-thuoc-tri-benh-hieu-qua-voh

Đậu ván trắng và những công dụng trong y học (Nguồn: Internet)

Từ đậu ván trắng, Đông y điều chế ra các vị thuốc như:

  • Lá cây đậu ván trắng (biển đậu diệp) có vị cay, ngọt, tính bình, hơi độc. Tác dụng chữa tiêu chảy, kèm nôn mửa, gân co rút, nhọt độc, bị đòn, ngã chấn thương; lá giã nát đắp vào chỗ rắn cắn (theo Nhật Hoa Tử Bản thảo).
  • Hoa đậu ván trắng (biển đậu hoa) có vị ngọt nhạt, tính bình, không độc. Tác dụng kiện tỳ hòa vị, thanh thử hóa thấp. Dùng chữa bệnh lỵ, tiêu chảy, xích bạch đới hạ. Hoa đậu ván rửa sạch, giã nát, đắp lên vết rắn cắn. Liều dùng: 4 - 9g (theo Tứ Xuyên Trung dược chí).
  • Rễ cây đậu ván trắng (biển đậu căn), Đông y dùng chữa viêm đại tràng, đại tiện xuất huyết, trĩ lở loét, tiểu tiện nhỏ giọt, nước tiểu đục... Liều dùng: 6 - 9g. (theo Trung dược đại từ điển).
  • Dây đậu ván trắng (biển đậu đằng) dùng chữa chứng họng vướng đờm, ngực đầy tức khó chịu, ý thức mơ hồ hoặc hôn mê, phát cuồng, nói cười huyên thuyên vô nghĩa (cuồng ngôn loạn ngữ). Liều dùng 9 - 15g (theo Điền Nam bản thảo).

4. Một số bài thuốc hay từ đậu ván trắng

  • Bài thuốc chữa trúng nắng, phát sốt, tiểu tiện không thông: Đậu ván trắng để cả vỏ 50g, sắc kỹ với nước, chắt lấy nước, để nguội chia thành 2 phần uống trong ngày.
  • Bài thuốc chữa viêm ruột cấp tính: Hạt đậu ván trắng nghiền thành bột mịn, ngày uống 3 - 4 lần, mỗi lần 12g, dùng nước ấm chiêu thuốc. Hoặc dùng đậu ván trắng 30 - 60g, sắc với nước, chia thành 3 phần uống trong ngày.
  • Bài thuốc chữa phù thũng: Hạt đậu ván trắng sao vàng, tán thành bột mịn, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 10g. Trẻ nhỏ tùy theo tuổi giảm liều lượng.
  • Bài thuốc chữa ban xuất huyết: Hạt đậu ván trắng 100g, hồng táo 20 trái, đường phèn 50g, tất cả cho vào nồi sắc với nước, chia 2 lần uống trong ngày.
  • Bài thuốc dành cho phụ nữ bị động thai: Phụ nữ bị động thai có thể lấy hạt đậu ván trắng sống 30g nghiền mịn, uống cùng với nước cơm, hoặc sắc kỹ với nước uống. Lưu ý, để an toàn nên tham khảo thêm thầy thuốc Đông Tây y.
  • Bài thuốc trị chứng đổ mồ hôi trộm, mồ hôi ra nhiều ở trẻ nhỏ: Đậu ván trắng sao chín, tán mịn. Ngày uống 5 - 10g, chiêu bột thuốc bằng nước sôi để nguội, liên tục trong nhiều ngày sẽ khỏi.
  • Bài thuốc trị tiêu chảy, phát sốt: Hoa đậu ván 15 - 20g, cho vào nồi luộc với một quả trứng gà; ăn trứng và uống nước thuốc. Hoặc dùng hoa đậu ván trắng sấy khô, nghiền thành bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g, chiêu thuốc bằng nước cơm.
  • Bài thuốc trị đau nhức xương khớp: Dùng 30g rễ đậu ván trắng, sắc kỹ với nước, chia thành nhiều phần uống trong ngày sẽ giúp giảm đau.

tac-dung-cua-dau-van-trang-va-nhung-bai-thuoc-tri-benh-hieu-qua-1-voh

Đậu ván trắng là vị thuốc Đông y chữa nhiều căn bệnh hiệu quả (Nguồn: Internet)

Kiêng kỵ: Những người tỳ vị hư hàn, có tình trạng bụng đầy trướng nên thận trọng khi sử dụng các bài thuốc từ đậu ván trắng.

5. Tác dụng của đậu ván trắng trong y học hiện đại

Những nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, thành phần hóa học trong đậu ván trắng có chứa: carbohydrat 57%, protein 22,70%, chất béo 1,8%, các chất khoáng vi lượng như: calcium 0,046%, phosphor 0,052%, sắt 0,001%. Còn có men tyrosinase, axit cyanhydric, vitamin A, vitamin B1, B2, vitamin C…

Ngoài ra, trong protein của đậu ván cũng chứa nhiều loại axit amin như: tryptophan, arginin, lysin, tyrosin...

Chính những thành phần như trên, nên đậu ván trắng có tác dụng ức chế đối với trực khuẩn lỵ, giải độc, chống nôn mửa do bị ngộ độc thức ăn. Bên cạnh đó, tác dụng của đậu ván trắng còn hỗ trợ trong việc điều trị viêm dạ dày và viêm ruột cấp tính.

Vì giá trị dinh dưỡng trong đậu ván trắng rất cao nên loại đậu này được coi là loại thức ăn ngon, bổ và cũng là vị thuốc cho mọi người. Với đậu ván trắng, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, ngoài những món xào, nấu thông thường, đậu ván trắng có thể chế biến thành sữa đậu ván, bột dinh dưỡng, tương và đậu phụ từ đậu ván trắng.

6. Các món ngon từ đậu ván trắng

6.1 Chè đậu váng trắng

Đối với người dân Việt Nam thì món chè đậu váng không quá xa lạ. Chè đậu ván nước cốt dừa có thể ăn lạnh hoặc nóng tùy theo sở thích mỗi người, chè có hương vị ngọt thanh, thơm béo, ăn ngon miệng và rất bổ dưỡng cho sức khỏe.

Loại chè được bày bán ở nhiều nơi, thường được đựng những chiếc bịch để bán.

tac-dung-cua-dau-van-trang-voh-3
Món chè đậu ván trắng thơm ngon, bổ dưỡng

6.2 Sữa đậu váng

Đậu ván ngoài nấu chè ra còn có thể xay thành sữa để uống. Sữa đậu ván ngon ngọt, thom béo, bổ dưỡng không kém phần so với các loại sữa hạt khác. Uống sữa đậu ván còn giúp thanh nhiệt, giải khát, chống mệt mỏi và tăng cường sức khỏe.

6.3 Đậu ván xào thịt bò

Nếu không thích những món ngọt thì có thể dùng đậu ván tươi để xào thịt bò. Món này được chế biển rất đơn giản nhưng đem lại nhiều giá trị dinh dưỡng cao. Một món ăn bổ dưỡng mang hương vị béo bùi của đậu ván và vị ngọt của thịt, chấm kèm với nước tương cay thì ngon hết sẩy.

7. Những lưu ý khi sử dụng hạt đậu ván trắng

Để phát huy tối đa những tác dụng của đậu ván trắng mang lại cho sức khỏe và hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn thì khi sử dụng thì bạn chú ý một số vấn đề sau:

  • Tuyệt đối không ăn hạt đậu ván sống, vì trong hạt đậu ván khô có chứa độc tố glucozit dưới dạng xyanua nồng độ cao. Do đó chỉ nên ăn khi đã nấu để làm phân hủy độc tố, còn nếu ăn sống sẽ gây ngộ độc.
  • Những người đang bị bệnh sốt, cảm lạnh, tính hàn thì không nên ăn đậu ván trắng.
  • Những hạt đậu đã chuyển sang màu đen hoặc màu tím thì không nên dùng.

Lưu ý: Trong hạt đậu ván khô có chứa độc tố glycosid dưới dạng xyanua, nên chỉ dùng được sau khi đã nấu chín trong một thời gian, hoặc rang vàng. Lúc nấu phải mở nắp nồi.