Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thai quá ngày sinh nguy hiểm thế nào và cách xử trí

(VOH) – Thai quá ngày sinh dùng để gọi những trường hợp thai kéo dài hơn 42 tuần vẫn chưa có dấu hiệu sinh. Hiện tượng này cũng thường tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thai nhi lẫn mẹ bầu.

Ngày dự sinh là ngày bác sĩ ước đoán thai nhi có thể chào đời, thường nằm trong khoảng thai kỳ 40 tuần tuổi dựa trên tính toán theo chu kỳ kinh cuối trước khi có bầu của thai phụ. Tuy nhiên, ngày dự sinh chỉ mang tính tương đối chứ không nhất định là ngày bé chào đời.

Vì thế, chỉ có khoảng 3 – 5% phụ nữ mang thai sinh nở đúng thời gian dự kiến, còn lại hầu hết đều sinh sớm hơn hay muộn hơn ngày dự sinh trong vòng 2 tuần (tức là cuộc chuyển dạ có thể xảy ra ở tuổi thai từ 38 – 42 tuần).

1. Như thế nào được gọi là thai quá ngày sinh?

Trong dân gian thường dùng từ “chửa trâu” để chỉ những trường hợp thai quá ngày dự sinh. Còn trong y học hiện đại, thai nhi quá ngày dự sinh được định nghĩa là khi tuổi thai từ tuần 42 trở lên. Tức là thai nhi được 294 ngày tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng hoặc quá ngày sinh hơn 2 tuần.

Tuy nhiên, theo thống kê trung bình cứ khoảng 12% phụ nữ mang thai được chẩn đoán là thai quá ngày sinh thì chỉ có khoảng 4% là thai già tháng thực sự, còn lại chỉ là do sự nhầm lẫn trong việc tính ngày dự sinh.

2. Nguyên nhân thai quá ngày sinh

Sự sai lệch trong việc cung cấp ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối cho bác sĩ để tính ngày dự sinh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hiện tượng thai quá ngày dự kiến sinh nở. Nếu trước khi mang thai, chị em có chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc bản thân ít theo dõi thì khả năng rơi vào trường hợp thai quá ngày là rất cao.

thai-qua-ngay-sinh-nguy-hiem-the-nao-va-cach-xu-tri-voh

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thai quá ngày sinh (Nguồn: Internet)

Mẹ bầu thực hiện siêu âm lần đầu tiên quá trễ, cụ thể là sau 3 tháng đầu thai kỳ cũng có thể gây ra hiện tượng thai quá ngày sinh. Nhiều trường hợp tuổi thai bị tính lệch đến hơn 4 tuần, do thời điểm siêu âm rơi vào tuần thứ 14 – 18. Kết quả là mẹ bầu nghĩ đã mang thai 40 tuần nhưng thực chất là con mới được 36 tuần tuổi.

Ngoài 2 nguyên nhân điển hình trên thì một số yếu tố làm tăng nguy cơ thai quá ngày sinh đó là:

  • Sinh con so (con đầu lòng)
  • Thai nhi có giới tính nam
  • Mẹ đã từng có thai kỳ quá dài
  • Mẹ béo phì.
  • Sự xuất hiện các yếu tố bất thường ở thai nhi như sự thiếu hụt enzym ở nhau thai, hàm lượng nội tiết tố tuyến giáp xuống thấp, dây rốn thai nhi quá ngắn, bất thường về ngôi thai như nằm quá cao, nằm ngược, nằm ngang...

3. Thai quá ngày sinh tiềm ẩn những nguy cơ nào?

Thông thường, khi thai kỳ bước vào tuần 41 được xem là thời điểm thích hợp nhất để trẻ chào đời. Bởi sau thời gian này, nhau thai bắt đầu già đi, các chức năng cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho thai nhi bắt đầu suy yếu, đe dọa đến sự an toàn và tính mạng của thai nhi lẫn mẹ bầu.

3.1. Nguy cơ đối với thai nhi

Thai quá ngày sinh sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến nhịp tim thai nhi, tổn thương hệ thần kinh, gây thiểu năng hệ thần kinh vận động.

Nếu không được phát hiện kịp thời, thai quá ngày có thể chết lưu, tử vong trong lúc mẹ chuyển dạ. Nguyên nhân là do lượng nước ối giảm dần, dây rốn bị chèn ép mỗi khi cơn gò tử cung xuất hiện gây suy thai.

Trẻ sinh ra nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp, nhiễm trùng, dễ bị suy dinh dưỡng, da nhăn nheo, sức đề kháng kém, thậm chí tử vong...

thai-qua-ngay-sinh-nguy-hiem-the-nao-va-cach-xu-tri-1-voh

Thai quá ngày sinh tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thai nhi lẫn mẹ bầu (Nguồn: Internet)

3.2 Nguy cơ đối với mẹ bầu

Thai nhi càng tiếp tục phát triển lớn thêm sẽ khiến mẹ bầu khó sinh do con to, dẫn đến việc phải mổ lấy thai.

Sau sinh phải nằm viện nhiều ngày và có thể để lại nhiều di chứng.

4. Thai quá ngày sinh cần được xử trí thế nào?

Nếu thai quá ngày dự sinh, thai phụ cần đến bệnh viện để được thăm khám và theo dõi kỹ càng. Siêu âm chính là phương pháp để theo dõi thai quá dự kiến sinh. Lượng nước ối là căn cứ chính để theo dõi. Nếu kết quả siêu âm trả lời lượng nước ối trung bình hay bình thường, các thai phụ sẽ được hẹn tái khám sau 24 - 48 giờ. Nếu lượng nước ối thấp, thai phụ cần phải ở lại bệnh viện để theo dõi.

Một vài trường hợp lượng nước ối quá ít, bác sĩ sẽ chỉ định mổ lấy thai ngay, còn lại đa số sẽ được thực hiện một thử nghiệm (test). Cách thử như sau: thai phụ sẽ được kích thích tạo cơn co tử cung giống như chuyển dạ. Nếu thai nhi chịu đựng được, coi như thử nghiệm âm tính, thai phụ tiếp tục theo dõi chờ chuyển dạ và làm thử nghiệm này lại một lần nữa sau 24 - 48 giờ. Nếu thai nhi không chịu đựng được, biểu hiện bằng những thay đổi bất thường của nhịp tim thai, thử nghiệm có kết quả dương tính. Thai nhi sẽ được lấy ra bằng phẫu thuật.

Tóm lại, việc quan trọng nhất các mẹ bầu cần nhớ là khám thai theo đúng lịch hẹn bác sĩ. Ngoài thời gian thăm khám, mẹ bầu nên theo dõi cử động của bé. Đi khám ngay nếu phát hiện có những dấu hiệu bất thường. Nên nhớ rằng, thai quá ngày dự kiến sinh chưa hẳn là thai già tháng, vì vậy mẹ không cần phải quá lo lắng mà yêu cầu được mổ lấy thai. Điều quan trọng là mẹ cần hết sức bình tĩnh, nghe theo hướng dẫn và lời khuyên của bác sĩ để chuyện sinh nở diễn ra suôn sẻ.

Bình luận