Chờ...

Viêm da tiết bã - những kiến thức quan trọng cần biết

(VOH) - Viêm da tiết bã là một bệnh lý ngoài da xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em, nó không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe mà còn làm mất thẩm mỹ.

1. Viêm da tiết bã là gì?

Viêm da tiết bã là một bệnh ở da làm cho da khô và bong ra. Viêm da tiết bã làm da đỏ và tróc vảy. Bệnh thường ảnh hưởng đến vùng da hay tiết dầu, dễ gặp ở khuôn mặt, ngực và lưng, ngoài ra bệnh cũng có thể xuất hiện ở những khu vực da dày và khô.

viem-da-tiet-ba-va-nhung-kien-thuc-quan-trong-can-biet-voh-1

Viêm da tiết bã ở đầu (Nguồn: Internet)

Bệnh viêm da tiết bã không lây nhiễm, không ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát nhưng có thể ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài và khiến người bệnh tự ti, mặc cảm.

Viêm da tiết bã là bệnh phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh có thể gặp ở trẻ nhỏ, ngay sau khi sinh với biểu hiện da đầu có nhiều vảy (viêm da đầu tiết bã) hay dân gian còn gọi là bệnh “cứt trâu”.

2. Những triệu chứng viêm da tiết bã

Hầu hết, phần da nào trên cơ thể đều cũng có thể bị viêm da tiết bã, nhưng thường gặp nhất là viêm da tiết bã ở đầu, viêm da tiết bã ở mặt và 2 bên của mũi. Ngoài ra, ngực, lưng và các bộ phận có tiết nhiều dầu (như háng, nách) cũng có thể bị.

Các triệu chứng chung của viêm da tiết bã bao gồm:

  • Tổn thương da.
  • Xuất hiện mảng bám trên diện tích lớn.
  • Viêm da tiết bã nhờn ở mặt.
  • Xuất hiện vảy da màu trắng hoặc hơi vàng và dễ bong tróc.
  • Ngứa, da ửng đỏ.
  • Các vùng có lông như ở đầu, lông mày, lông mi, râu hay thấy vảy da dính màu trắng.
  • Các nếp gấp lớn của da như nách, bẹn, kẽ mông, nếp dưới vú, rốn thường có ranh giới rõ, màu đỏ sẫm, nứt kẽ và có thể tiết dịch khi bệnh nặng, bị cọ xát nhiều.

3. Nguyên nhân viêm da tiết bã

Hiện nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính gây viêm da tiết bã, tuy nhiên, bệnh có thể liên quan đến các vấn đề sau:

  • Hệ miễn dịch suy yếu.
  • Thiếu một số chất dinh dưỡng nhất định.
  • Vấn đề ở hệ thần kinh.
  • Một loại nấm được gọi là malassezia xuất hiện trong lớp dầu tiết ra trên da.
  • Viêm nhiễm do vẩy nến gây ra.
  • Bệnh được cho là thường nặng hơn vào khoảng đầu mùa xuân và mùa đông.
  • Ở trẻ sơ sinh, bệnh “cứt trâu” có thể xuất hiện do sự biến mất dần dần của nội tiết tố truyền từ mẹ trước khi sinh con.

viem-da-tiet-ba-va-nhung-kien-thuc-quan-trong-can-biet-voh-2

Viêm da tiết bã (hiện tượng "cứt trâu") ở trẻ sơ sinh thường không nguy hiểm (Nguồn: Internet)

Bệnh viêm da tiết bã dễ chẩn đoán nhưng một số trường hợp có thể nhầm với bệnh vảy nến hoặc khởi đầu của vảy nến. Bệnh cũng có thể nhầm với nấm nông da, nấm Candida kẽ, lupus đỏ bán cấp và một số bệnh da khác. Chính vì thế, khi nhận thấy những triệu chứng trên thì bạn nên đến chuyên khoa da liễu để thăm khám và kiểm tra. Tuyệt đối không tự ý chẩn đoán bệnh và dùng thuốc tùy tiện.

4. Điều trị viêm da tiết bã tận gốc được không?

Viêm da tiết bã ở trẻ nhỏ thường đáp ứng nhanh với dầu gội đầu, chất làm mềm và steroid tại chỗ loại nhẹ. Do đó, trẻ sơ sinh bị viêm da tiết bã không có gì đáng lo ngại và có thể chữa khỏi hoàn toàn.

Viêm da tiết bã ở người lớn có khuynh hướng mạn tính và tái phát nên mục đích của điều trị là kiểm soát bệnh. Do đó, bệnh cần được điều trị duy trì và chủ yếu là điều trị tại chỗ.

viem-da-tiet-ba-va-nhung-kien-thuc-quan-trong-can-biet-voh-3

Viêm da tiết bã chủ yếu điều trị tại chỗ (Nguồn: Internet)

Dầu gội đầu đặc trị thường được sử dụng để chữa viêm da tiết bã ở đầu. Nếu vảy không mềm, người bệnh có thể dùng một vài giọt dầu khoáng chà lên da đầu trước khi gội đầu.

Trường hợp nặng, bác sĩ có thể kê toa cho người bệnh các loại dầu gội và kem bôi có chứa liều mạnh các chất selenium sulfide, ketoconazole hoặc corticosteroid. Bác sĩ cũng có thể kê toa một loại kem có chứa chất điều hòa miễn dịch để điều trị viêm.

Điều trị toàn thân được áp dụng khi thương tổn lan rộng và những trường hợp kháng trị với phương pháp điều trị tại chỗ.

5. Biện pháp phòng tránh viêm da tiết bã

Viêm da tiết bã là bệnh về da khó điều trị tận gốc và rất dễ tái phát. Chính vì thế, để ngăn ngừa căn bệnh này bạn cần chú ý một số điều sau:

  • Chăm sóc da đúng cách. Không sử dụng sữa rửa mặt, sữa tắm quá thường xuyên vì có thể làm mất cân bằng độ pH và độ ẩm tự nhiên của da.
  • Sử dụng các loại sữa rửa mặt, sữa tắm dịu nhẹ cho làn da.
  • Thoa kem chống nắng và che chắn cẩn thận khi đi ra ngoài lúc ánh nắng có cường độ cao.
  • Ánh nắng buổi sáng rất tốt cho da, vì thế buổi sáng đi ra đường bạn không nên che chắn quá kỹ lưỡng. Hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia về thời gian phơi nắng hợp lý.
  • Uống đủ nước mỗi ngày và bổ sung các nhóm thực phẩm giàu vitamin C, E và omega-3 trong chế độ ăn. Điều này sẽ giúp tăng cường độ ẩm tự nhiên và giúp da sáng khỏe hơn.