Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bà bầu ăn mì tôm được không?

(VOH) – Mì tôm được xem là món ăn ‘cứu đói’ nhanh chóng và tức thì nên được rất nhiều người yêu thích, kể cả phụ nữ mang thai. Thế nhưng, bà bầu ăn mì tôm được không?

Nhanh, gọn và không mất nhiều thời gian chuẩn bị, mì tôm - tên gọi quen thuộc của mì ăn liền, hay còn gọi là mì gói, đang dần trở thành bữa ăn của rất nhiều người trong lúc bận rộn. Thế nhưng, nếu bà bầu muốn thêm mì tôm vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày thì cần phải thật cân nhắc.

1. Bà bầu ăn mì tôm được không?

Mặc dù mì tôm giúp mọi người “giải tỏa” được cơn đói một cách nhanh chóng nhưng đây lại là một món ăn không có nhiều dinh dưỡng. Do đó, việc bà bầu ăn chúng trong thai kỳ là không thật sự an toàn.

ba-bau-an-mi-tom-voh-0
Mì tôm không phải là lựa chọn an toàn, lành mạnh khi mang thai (Nguồn: Internet)

Mì tôm có thành phần chủ yếu là tinh bột, bột ngọt, hương liệu, chất bảo quản nhưng lại nghèo chất xơ, protein và vitamin. Vì thế, nó không được xếp vào danh sách những thực phẩm lành mạnh và cân bằng. Ngoài ra, mì tôm cũng không tốt như nhiều món ăn khác và cũng không thể thay thế được cho bữa chính.

2. Những lý do bà bầu không nên ăn mì tôm

Với phụ nữ mang thai, mì tôm được xem là một “người bạn không mấy thân thiện” cho hệ tiêu hóa, bởi mì tôm và các chất bảo quản trong mì có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, các chất bảo quản khiến cho mì tôm dù đã vào cơ thể nhưng hàng giờ sau vẫn chưa tiêu hóa được.

Ngoài ra, mẹ bầu thường xuyên ăn mì tôm có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và tiểu đường thai kỳ, ngay cả khi vẫn đang duy trì một chế độ dinh dưỡng và tập luyện lành mạnh.

Đặc biệt, nếu xét về mặt dinh dưỡng thì đây là một loại thực phẩm rất “nghèo” dinh dưỡng. Trong mì tôm có rất ít vitamin, protein, chất xơ, khoáng chất... mà chủ yếu là các thành phần như: tinh bột, muối, bột ngọt, chất bảo quản, hương liệu, nên nó không hề thích hợp với nhu cầu dinh dưỡng cao của bà bầu.

Hơn thế, một số thành phần có trong mì tôm còn có thể gây hại trong thời kỳ mang thai như:

2.1 Bột mì tinh chế

Những thực phẩm đã qua tinh chế thường làm mất đi nhiều chất dinh dưỡng và bột mì tinh chế cũng là một dạng thực phẩm như thế. Mặc dù đã được quảng cáo về các loại mì không chiên nhưng sự thật thì đây vẫn là một bí ẩn.

2.2 Muối

Một khẩu phần mì ăn liền cung cấp cho bạn 861mg natri, còn riêng một gói mì tôm là khoảng 1.722mg. Trong khi, mức natri cho phép trong chế độ ăn được khuyến nghị hiện tại dành cho người lớn và trẻ em là 1500mg/ngày.

ba-bau-an-mi-tom-voh-1
Lượng natri cao trong mì tôm có thể làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp thai kỳ (Nguồn: Internet)

Mẹ bầu cần theo dõi lượng muối được nạp vào cơ thể mỗi ngày, bởi mang thai khiến cơ thể bạn dễ sưng và giữ nước, nếu hấp thụ quá nhiều natri chỉ làm cho tình trạng đó trở nên tồi tệ hơn. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều muối cũng có thể gây tăng huyết áp thai kỳ.

Xem thêm: Tăng huyết áp thai kỳ nguy hiểm thế nào, làm sao nhận biết và phòng ngừa?

2.3 MSG – mì chính (bột ngọt)

MSG là một thành phần có trong nhiều thực phẩm vì nó giúp làm tăng vị ngon cho thức ăn. Ngoài ra, nó còn giúp gia tăng hạn sử dụng cho những thực phẩm dễ hư hỏng, chẳng hạn như mì tôm.

Mặc dù phụ nữ mang thai có thể ăn một lượng nhỏ bột ngọt bởi chúng sẽ được đào thải, nhưng nếu bạn nạp một lượng lớn vào cơ thể có thể gây nguy hiểm cho đứa trẻ. Cho nên, bà bầu ăn mì tôm nhất định phải chú ý đến thành phần này.

2.4 Chất béo chuyển hóa

Mì tôm là một trong những thực phẩm chứa rất nhiều chất béo, nhưng chủ yếu là dạng axit béo no, không có lợi cho sức khỏe. Bà bầu ăn thực phẩm có chứa nhiều chất béo chuyển hóa sẽ làm tăng mức cholesterol trong thai kỳ.

2.5 Thành phần TBHQ trong mì tôm

Một số loại mì tôm có thể chứa hợp chất phụ gia gọi là TBHQ (Tertiary Butylhydroquinone), đây một chất hóa học tổng hợp được sử dụng để làm chất bảo quản. Mặc dù chất này có thể là an toàn khi dùng một lượng nhỏ hay vừa phải, nhưng nếu bà bầu ăn mì tôm lâu dài thì nhiều khả năng sẽ phải nhận lấy những ảnh hưởng tiêu cực.

3. Bà bầu ăn mì tôm an toàn cần lưu ý điều gì?

Mì tôm được xem là một trong những món ăn không lành mạnh cho sức khỏe bà bầu, tuy nhiên, nếu mẹ bầu muốn ăn mì tôm bạn có thể xem xét những cách sau đây để tránh những tác hại từ từ mì:

3.1 Thay đổi cách chế biến

Thông thường với mì tôm, nhiều người chỉ cần một ít nước sôi và 3 phút chờ đợi (công thức được in sẵn trên tất cả các gói mì). Tuy nhiên, đây lại là công thức không có lợi cho sức khỏe, nhất là với phụ nữ mang thai.

Do đó, mẹ bầu có thể thay đổi cách chế biến bằng việc đun nước sôi, sau đó cho mì vào luộc sơ, vớt ra để ráo và tiếp tục nấu nước lần 2, cho mì vào nấu lại một lần nữa. Cách này sẽ giúp loại bỏ được phần nào lượng chất béo không lành mạnh và những chất độc hại có trong mì.

3.2 Không sử dụng gói gia vị dầu mỡ

ba-bau-an-mi-tom-voh-2
Nên loại bỏ các gói gia vị dầu mỡ khi chế biến mì tôm (Nguồn: Internet)

Gói gia vị dầu mỡ sẽ không mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng mà chúng còn làm hạn chế khả năng hấp thu chất dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm khác, gây nguy cơ suy dinh dưỡng. Vì vậy, muốn an toàn mẹ bầu nên loại bỏ các gói gia vị dầu mỡ có trong mì tôm.

3.3 Cho thêm thịt và rau xanh

Trong bát mì của mình, mẹ bầu nên cho thêm khoảng rau xanh và các thực phẩm khác như thịt bò, thịt heo, tôm... để bổ sung thêm dinh dưỡng. Tuy nhiên, cần lưu ý nên nấu chín rau và thịt trước khi thêm vào và mỗi gói mì không nên quá 30g thịt.

3.4 Tránh uống nhiều nước mì

Một số mẹ bầu có thể có thói quen uống nước mì, tuy nhiên, hãy từ bỏ thói quen này bởi hàm lượng muối và dầu ăn có thể còn rất nhiều trong nước mì. Nếu cảm thấy tiếc nuối, bạn có thể đổ bớt ½ lượng nước và chỉ để lại một lượng nước mì vừa phải để nếm lấy vị.

Ngoài ra, khi ăn mì tôm mẹ bầu cũng nên tránh các loại rau sau:

  • Rau sam
  • Ngải cứu
  • Rau ngót
  • Rau răm

Nhìn chung, khi mang bầu, bất cứ những gì mẹ ăn cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, tốt nhất phụ nữ đang mang thai nên chú ý đến những thức ăn nạp vào cơ thể. Bà bầu ăn mì tôm ít lại và có thể tìm đến các loại đồ ăn vặt cho bà bầu vừa lành mạnh, lại dễ tìm.

Bình luận