Chờ...

Liệu ăn mì tôm nhiều có tốt không ?

(VOH) – Nhiều người thích ăn mì tôm vì có giá thành rẻ, dễ chế biến và dễ ăn. Thế nhưng mì tôm có thật sự tốt cho sức khỏe hay không? Cùng tìm hiểu tác dụng, tác hại của mì tôm cùng cách ăn an toàn.

Mì tôm (mì ăn liền) luôn là lựa chọn của rất nhiều người hiện nay bởi thời gian nấu nhanh chóng, tiện lợi lại còn dễ ăn.

Thế nhưng, cơ thể con người muốn khỏe mạnh thì cần được cung cấp đủ 6 nhóm dưỡng chất là: carbohydrate, chất béo, protein, vitamin, khoáng chất và nước, trong mì tôm lại không đáp đủ các dưỡng chất này nên ăn mì tôm không thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cơ bản cho cơ thể.

1. Tác hại của việc ăn mì tôm nhiều

Mì tôm có thành phần chính là bột lúa mì, bột sắn được xếp vào nhóm lương thực. Bột mì, bột sắn là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu từ đường và chất béo, lượng chất đạm có rất ít và chủ yếu là đạm thực vật.

Do đó, ăn mì tôm nhiều có thể sẽ gây mất cân bằng cần dinh dưỡng, cơ thể bị thiếu những chất dinh dưỡng cần thiết, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, mạch máu, gây tình trạng thiếu vitamin và khoáng chất.

tac-dung-va-tac-hai-cua-mi-tom-cung-cach-an-an-toan-voh-0
Tiêu thụ nhiều mì tôm không có lợi cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Đặc biệt, trong buổi tọa đàm “Hiểu đúng về dinh dưỡng của mì tôm” do Báo Khoa học – Đời sống tổ chức, các chuyên gia cũng cho rằng, sử dụng mì tôm liên tục và trong khoảng thời gian dài có thể gây ảnh hưởng cho sức khỏe.

Một số tác hại của mì tôm đối với sức khỏe có thể kể đến như:

1.1 Làm cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng

Thành phần của mì tôm chứa nhiều chất béo bão hòa, chất bột và ít chất xơ.

Mì ăn liền cung cấp chất bột từ bột mì và 9% chất đạm thực vật - cũng từ bột mì. Nếu có trộn khoai tây thì thành phần chất đạm cũng rất thấp, từ 1 – 2% protein. Do đó, ăn mì tôm sẽ khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng vì không có đạm động vật và vitamin từ rau quả tươi.

Mì tôm cũng cung cấp nhiều calo cho cơ thể. Thông thường, 1 gói mì tôm chứa khoảng 190 calo, tuy nhiên, hàm lượng calo trong mì tôm là calo rỗng.

1.2 Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Một số loại mì hiện nay có chứa thành phần trans fat – một dạng chất béo không có lợi cho cơ thể. Đây là chất được sinh ra trong quá trình mì được chiên trong dầu ở nhiệt độ cao.

Trans fat là chất có thể làm tăng mức cholesterol xấu trong máu, dẫn đến tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch, gây tắc nghẽn và dẫn đến nguy cơ đột quỵ.

Ngoài ra, những chất phụ gia hương vị trong mì tôm cũng không tốt cho những người đang mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, mỡ trong máu....

1.3 Không tốt cho hệ tiêu hóa

Mì tôm có thành phần chất béo Shotrerning từ 15 - 20%, chủ yếu là dạng axit béo no (axit béo bão hòa), đây là loại chất béo khó tiêu hóa. Do đó, thường xuyên ăn mì tôm sẽ gây nặng nề cho hoạt động hệ tiêu hóa.

tac-dung-va-tac-hai-cua-mi-tom-cung-cach-an-an-toan-voh-1
Ăn nhiều mì tôm khiến hệ tiêu hóa nặng nề hơn (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, vì không có nhiều chất xơ nên ăn mì tôm nhiều có thể khiến bạn gặp phải tình trạng bị táo bón.

1.4 Thừa cân, béo phì

Ăn quá nhiều mì tôm sẽ khiến cơ thể nạp thêm quá nhiều carbohydrate và chất béo. Điều này sẽ dẫn tới hàm lượng chất béo, calo trong cơ thể tăng cao, từ đó gây béo phì và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới béo phì.

Xem thêm: 7 căn bệnh có thể xuất phát từ bệnh béo phì, hầu hết là bệnh mãn tính nguy hiểm

1.5 Ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể

Một số nghiên cứu cũng ghi nhận, thường xuyên sử dụng các sản phẩm ăn liền, trong đó có mì tôm sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến gan, tuyến tụy và gây chứng viêm dạ dày.

Ngoài ra, tiêu thụ quá nhiều mì ăn liền còn ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, mạch máu, gây tình trạng thiếu vitamin và khoáng chất.

1.6 Nóng trong người

Vì mì tôm được chiên ở nhiệt độ cao nên những người ăn mì thường có cảm giác nóng phừng phực, cồn cào, khô miệng và khát nước khi ăn. Nên việc ăn nhiều mì tôm quá mức sẽ làm cho cơ thể nóng lên, dễ nổi mụn và bị mắc bệnh nhiệt miệng

2. Ăn mì tôm có lợi ích gì không?

Mì ăn liền vốn là thực phẩm có nguồn gốc từ Nhật Bản vào năm 1958. Mì được ra đời lần đầu tiên với tên gọi chung là Ramen - một dạng của mì sợi. Ngày nay, mì tôm được tiêu thụ và phân bố rộng rãi trên khắp thế giới.

Nhờ cách chế biến nhanh chóng và giá thành rẻ mà mì tôm đã trở thành món ăn quốc dân được ưa chuộng bậc nhất đối với giới trẻ ngày nay. Một số lợi ích của mì tôm khiến chúng được lựa chọn hàng đầu là:

2.1 Sự tiện lợi

Đây chính là lý do khiến mì ăn liền trở thành sản phẩm quốc dân. Với cách chế biến chưa đầy 5 phút bạn đã có được một tô mì nóng hổi, thơm ngon. Ngoài ra với sự cải tiến trong sản xuất, mì gói có khá nhiều loại để bạn lựa chọn, từ mì ly, mì tô, mì hộp... được đóng gói kỹ càng, rất tiện dụng để bạn xách theo bên mình.

2.2 Tiết kiệm thời gian

tac-dung-va-tac-hai-cua-mi-tom-cung-cach-an-an-toan-voh-2
Ăn mì tôm giúp tiết kiệm thời gian (Nguồn: Internet)

Chính vì thời gian có được một tô mì chưa đầy 5 phút nên đây chính là món ăn phù hợp với tiêu chí của những người bận rộn, chẳng hạn như dân văn phòng.

2.3 Cung cấp năng lượng tức thì

Mì tôm được làm từ bột mì, bột sắn, được xếp vào nhóm lương thực, vì thế ,chúng có thể cung cấp cho cơ thể một nguồn năng lượng nhất định.

2.4 Giá thành rẻ

Trên thị trường, có rất nhiều thương hiệu mì ăn liền với nhiều giá thành cạnh tranh khác nhau, nhưng hầu như phần lớn giá thành của các loại mì thường khá rẻ. Chỉ với khoảng 3.000 – 5000 VNĐ là bạn cũng đã có được một gói mì tôm cho bữa ăn đạm bạc.

2.5 Thời gian bảo quản lâu

Một gói mì ăn liền có thể bảo quản trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Đó là lý do mì ăn liền được xếp vào nhóm những món ăn có thể dự trữ...

3. Bà bầu ăn mì tôm được không?

Nhanh gọn và không mất nhiều thời gian chế biến là ưu điểm của mì tôm, nhưng các chuyên gia khuyến nghị, bà bầu không nên ăn mì tôm trong thai kỳ, bởi đây là thực phẩm “nghèo” dinh dưỡng.

Bà bầu ăn mì tôm thường xuyên có thể sẽ gặp một số trở ngại ở hệ tiêu hóa, hệ tim mạch, thậm chí là nguy hiểm đến sức khỏe mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi.

Xem thêm: Bà bầu ăn mì tôm và những lý do khiến bạn sẽ phải suy nghĩ lại

4. Có nên cho bé ăn mì tôm không?

Mì tôm không chứa nhiều dinh dưỡng, vì thế đây là món ăn không có lợi cho trẻ em – nhóm đối tượng đang cần được cung cấp đầy đủ dưỡng chất để cơ thể khỏe mạnh và phát triển toàn diện.

Nếu cho bé ăn mì tôm thường xuyên không chỉ khiến bé thiếu hụt dưỡng chất mà còn gây ra một số tác hại như: bé dễ bị tăng cân mất kiểm soát, béo phì, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, gan, tụy....

Xem thêm: Có nên thường xuyên cho bé ăn mì tôm không và mẹ cần làm gì khi bé muốn ăn mì tôm?

5. Các món ăn từ mì tôm vừa ngon, vừa giàu dinh dưỡng

Để có thể đảm bảo an toàn và dinh dưỡng khi ăn mì tôm thì ngoài việc chế biến đúng cách, bạn còn có thể kết hợp mì tôm với nhiều nguyên liệu khác để làm ra được nhiều món ăn hấp dẫn.

Một số món ăn từ mì tôm vừa ngon, vừa dễ làm, vừa giúp bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể bạn có thể tham khảo như:

  • Mì xào hải sản
  • Mì trộn tóp mỡ
  • Pizza mì tôm
  • Mì bay
  • Mì tôm kim chi
  • Mì tôm bọc khoai tây chiên giòn

Xem thêm: Không chỉ dùng để ăn liền, mì tôm còn được làm thành nhiều món ngon bất ngờ

6. Những người không nên ăn mì tôm

Mì tôm là món ăn không còn quá xa lạ với nhiều người, mang lại nhiều lợi ích nhất định cho sức khỏe, tuy nhiên không phải ai cũng có thể ăn được món này. Những đối tượng sau đây cần nên hạn chế hoặc không nên ăn để tránh các tác hại của mì tôm gây ra cho sức khỏe:

6.1 Những người mắc bệnh tim mạch và béo phì

Mì tôm được chiên ở nhiệt độ cao, chứa chất béo bão hòa nên khi ăn sẽ làm gia tăng nguy cơ thừa cân, béo phì và mắc các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch.

Đa phần tinh bột trong mì tôm sẽ chuyển hóa thành những năng lượng dư thừa và chất béo trong cơ thể không có lợi cho những người đang mắc bệnh tim mạch, béo phì.

6.2 Người mắc bệnh về thận

Vì trong những gói mì ăn liền chứa khá nhiều muối nên những người mắc bệnh về thận mà ăn mì tôm sẽ làm tăng lượng muối trong cơ thể, gây hại cho thận và làm bệnh thêm phần trầm trọng.

6.3 Người mắc bệnh dạ dày

Mì tôm cũng được xem là trong các thực phẩm gây khó tiêu khi ăn và nếu ăn mì tôm nhiều quá mức còn có thể làm cho vị giác bị giảm sút. Đối với những người mắc bệnh dạ dày thì không nên ăn mì tôm vì khi ăn sẽ làm tạo áp lực cho dạ dày trong việc tiêu hóa.

Nếu ăn mì nhai không kỹ thì sẽ làm cản trở quá trình tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng. Ngoài ra việc ăn nhiều sẽ tồn tại những chất độc hại trong cơ thể quá lâu sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

6.4 Trẻ nhỏ nên hạn chế ăn mì tôm

Đây là món ăn được nhiều người yêu thích, ngay cả người lớn và trẻ nhỏ đều thích ăn mì vì hương vị thơm ngon, kích thích vị giác của mì tôm mang lại. Nhưng đối với trẻ nhỏ thì không nên hoặc hạn chế cho trẻ ăn mì tôm vì các nguyên nhân sau:

  • Kém chất dinh dưỡng: trẻ nhỏ cần bổ sung những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng để tốt cho sự phát triển của trẻ nhưng mì tôm chỉ bổ sung một phần năng lượng cho cơ thể và kém chất dinh dưỡng nên không đáp ứng được nhu cầu phát triển của trẻ.
  • Khó tiêu hóa: cho bé ăn mì sẽ làm hại dạ dày của trẻ vì mì tôm là một trong thực phẩm khó tiêu nên khi bé ăn sẽ gây ra các tình trạng như đầy bụng, khó tiêu, chán ăn và làm gia tăng nguy cơ suy dinh dưỡng.
  • Nhiều chất gây hại: mi được chiên có độ oxy hóa cao, chứa khá nhiều muối, gia vị, bột ngọt, dầu và các phụ gia khác trong gói mì. Oxy hóa được xem là một các tác nhân gây ra bệnh đái tháo đường, tim mạch, ung thư. Vì vậy trẻ nhỏ không nên cho ăn mì tôm quá nhiều trong giai đoạn phát triển.

7. Cách ăn mì tôm không gây hại sức khỏe

Mặc dù ăn nhiều mì tôm sẽ không tốt cho sức khỏe, nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận những mặt lợi ích của thực phẩm này đã đem lại cho cuộc sống hiện đại.

Do đó, nếu muốn ăn mì tôm mà ít gây tổn hại cho sức khỏe, bạn nên áp dụng một số mẹo sau đây khi chế biến mì tôm:

7.1 Chần mì qua nước sôi trước khi sử dụng

Trước khi chế biến mì, hãy thêm một công đoạn đó là chần mì qua nước sôi khoảng 30 giây, sau đó, chắt bỏ nước đầu. Nấu mì với nước lần 2.

7.2 Không sử dụng gói gia vị kèm theo

Bên trong mỗi gói mì thường sẽ có thêm 1 gói dầu và 1 gói hạt nêm nhỏ, tuy nhiên bạn nên bỏ 2 gói gia vị này đi và thay thế vào là các gia vị nấu ăn thông thường. Đây là cách giúp bạn có thể hạn chế được dầu mỡ cũng như chất phụ gia có trong gói mì.

7.3 Ăn kèm rau xanh và thịt

tac-dung-va-tac-hai-cua-mi-tom-cung-cach-an-an-toan-voh-3
Thêm rau xanh, thịt, trứng vào mì tôm để giúp bổ sung dinh dưỡng (Nguồn: Internet)

Khi ăn mì gói, bạn nên thêm vào rau xanh và các loại đạm từ thịt heo, thịt bò hoặc trứng để giúp bù đắp lượng chất xơ, protein, vitamin và khoáng chất thiếu hụt trong gói mì.

7.4 Không ăn quá nhiều mì tôm

Như đã nói, mì tôm không phải là thực phẩm lý tưởng và chúng cũng không thể thay thế cho bữa chính. Vì thế, bạn không nên lạm dụng quá nhiều, mỗi tuần bạn chỉ ăn tối đa 1 gói là tốt nhất.

Như vậy, mặc dù mì tôm là thực phẩm không được khuyến khích sử dụng nhiều, nhưng bạn vẫn có thể tận dụng thực phẩm vừa rẻ lại vừa tiện lợi này để chế biến thành nhiều món ăn giúp chống ngán và mang đến nhiều lợi ích sức khỏe.