Khi bị cao huyết áp, ngoài dùng thuốc, việc lựa chọn và duy trì chế độ ăn uống hợp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ chế độ ăn uống và thực phẩm dành cho người bệnh cao huyết áp, bạn có thể tham khảo và vận dụng, nó thật sự hữu ích.
1. Cao huyết áp là gì?
Cao huyết áp còn được gọi là tăng huyết áp hoặc lên tăng-xông. Đây là bệnh mãn tính trong đó áp lực máu do được ở động mạch tăng cao. Bệnh nhân bị cao huyết áp khi đo huyết áp thường thấy cao hơn hoặc bằng 140/90 mmHg.
Cao huyết áp gây nhiều áp lực cho tim, có khả năng dẫn đến bệnh tim do tăng huyết áp, bệnh mạch vành. Tăng huyết áp cũng là một yếu tố nguy cơ chính trong tai biến mạch máu não, suy tim, phình động mạch, bệnh thận,…
Huyết áp cao hơn hoặc bằng 140/90 mmHg là bị cao huyết áp
2. Nguyên tắc trong điều trị bệnh cao huyết áp
- Quy trình điều trị, chọn lựa áp dụng cho từng bệnh nhân cụ thể, thích hợp với tình trạng sức khỏe, cố gắng sử dụng thuốc đơn giản, dễ tìm mà có tác dụng thì càng tốt.
- Phải điều trị liên tục và lâu dài, ngay cả khi đạt được chỉ số huyết áp bình thường.
- Nếu trị liệu đã có tác dụng thì không nên thay đổi. Liều lượng thuốc chống tăng huyết áp phải hợp lý, thận trọng, đủ giữ huyết áp ở mức độ an toàn dễ chịu.
- Tác dụng điều trị sẽ tăng khi phối hợp 2 hoặc nhiều thuốc với liều lượng thấp. Khi đó sẽ giảm đi các tác dụng phụ hơn so với sử dụng duy nhất một loại thuốc với liều lượng cao.
- Điều kiện cơ bản để thành công trong điều trị cao huyết áp là sự phối hợp tốt giữa bác sĩ và bệnh nhân.
3. Chế độ ăn uống cho người bệnh cao huyết áp
Theo các chuyên gia, nếu có một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, kiểm soát tốt huyết áp, người bệnh vẫn có sức khỏe tốt và hầu như không ảnh hưởng đến tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống. Dưới đây là chế độ ăn uống thích hợp cho người bệnh cao huyết áp:
3.1 Hạn chế muối
Nếu ăn quá mặn sẽ gây tăng huyết áp. Do đó, người bị cao huyết áp cần ăn nhạt vừa phải, lượng muối cần đủ trong chế độ ăn uống trong một ngày nên từ khoảng 5 đến 6 gam (kể cả muối trong thức ăn).
3.2 Bỏ rượu, bia, thuốc lá
Rượu, bia, thuốc lá có thể khiến bệnh thêm trầm trọng hơn. Vì thế, người bị cao huyết áp nên tập thói quen sống lành mạnh, xa rời rượu bia.
3.3 Giảm cân
Nếu bị béo phì thì nên giảm cân. Người bị cao huyết áp nên hạn chế chất bột đường, giảm lượng calo đưa vào, không nên ăn quá nhiều trứng, đồ chiên xào, không ăn quá nhiều mỡ động vật, không ăn các phủ tạng động vật như óc, tim, gan, lòng đỏ trứng gà. Ngoài ra, người bệnh cũng nên sử dụng dầu ăn ở mức vừa phải.
4. Những thực phẩm “vàng” dành cho người bệnh cao huyết áp
Bên cạnh việc tuân thủ chế độ chung như ăn nhạt, hạn chế mỡ động vật, kiêng các chất kích thích,…thì người bệnh cao huyết áp cần biết đến những thực phẩm dưới đây để bổ sung vào thực đơn hàng ngày nhằm có một chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.
4.1 Rau xanh và trái cây
Rau xanh và trái cây là thực phẩm tốt cho người bị cao huyết áp
Rau xanh và trái cây chứa nhiều loại vitamin và khoáng tố. Vitamin giúp ích cho việc phòng trị bệnh cao huyết áp bao gồm vitamin C và E có nhiều trong cam, quýt, bưởi, táo,…
Vitamin C có tác dụng làm giảm cholesterol, tăng tính đàn hồi mạch máu, vitamin E có trong quả bơ, dâu, thanh long, lúa mì,…có tác dụng chóng oxy hóa mạnh, ngăn ngừa nhiều axit béo không bão hòa, đảm bảo tính hoàn chỉnh của màng tế bào phòng ngừa chứng xơ cứng động mạch.
4.2 Ngũ cốc thô
Yến mạch là thực phẩm mà người bị cao huyết áp nên ăn
Lương thực sơ chế như gạo lứt, bắp, yến mạch, bánh mì đen,…cung cấp lượng chất xơ và các vitamin nhóm B, lượng chất xơ hàng ngày nên đạt trên 15g. Chất xơ ngoài tác dụng chống táo bón còn có tác dụng giữ lại cholesterol trong lòng ống tiêu hóa, hạn chế sự hấp thu cholesterol vào máu, làm giảm HDL, VLDL, Triglycerid trong máu,…Phòng ngừa xơ cứng động mạch, hỗ trợ tiêu hóa làm tăng tiết axit mật. Vitamin nhóm B hỗ trợ quá trình chuyển hóa trong tế bào, đặc biệt là tế bào thần kinh.
4.3 Cá biển
Trong cá hồi chứa nhiều omega-3 tốt cho người bị cao huyết áp
Đối với đạm động vật nên dùng cá thay thế cho thịt, cá có chứa nhiều axit béo không bão hòa, giúp giảm cholestrerol máu, ức chế hình thành máu đông dự phòng tai biến mạch máu não.
Trong cá biển có chứa nhiều omega-3, axit linolenic dễ tiêu hóa, làm tăng tính đàn hồi đối với mao mạch, có tác dụng nhất định phòng ngừa các biến chứng của cao huyết áp.
Đối với đạm thực vật có nhiều trong các loại đậu, nấm,…
4.4 Dầu ô liu, hướng dương, đậu nành
Nên sử dụng dầu ô liu thay thế cho mỡ khi chế biến món ăn
Chế độ ăn giảm mỡ là tiết giảm cholesterol, nên thay đổi chế đọ ăn từ chất béo bão hòa sang chất béo không bão hòa. Nên dùng dầu ô liu, hướng dương, đậu nành,…thay mỡ, dầu dừa, đậu phộng.
Các sản phẩm từ sữa ít béo hay không béo là nguồn thực phẩm giàu canxi. Các nhà dinh dưỡng khuyên những người bệnh cao huyết áp nên lựa chọn các loại sữa không kem, sữa chua ít béo hoặc không béo.
5. Lời khuyên cho người bệnh cao huyết áp
- Điều chỉnh dinh dưỡng hợp lý.
- Giảm bia rượu và các chất kích thích đưa vào cơ thể.
- Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày.
- Giảm cân nếu thừa cân.
- Luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên. Đối với bệnh nhân tăng huyết áp các môn thể thao tốt nhất là dưỡng sinh, yoga, thái cực quyền, đi bộ,…Vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30 – 60 phút mỗi ngày.
- Hạn chế căng thẳng, cáu giận.
- Khi điều trị đạt huyết áp mục tiêu dưới 130/80mmHg, cần tiếp tục duy trì phác đồ điều trị lâu dài, đồng thời theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Tóm lại, khi bị cao huyết áp người bệnh nên điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp để cải thiện tình trạng bệnh một cách nhanh chóng.