Đột quỵ xảy ra khi mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ làm cho não không nhận đủ oxy. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao và để lại một di chứng vĩnh viễn cho bệnh nhân.
Vì vậy, mọi người cần trang bị kiến thức cơ bản về căn bệnh này để dễ dàng nhận biết dấu hiệu đột quỵ, đồng thời biết cách sơ cứu khi người thân mắc phải.
1. Dấu hiệu nhận biết đột quỵ
Bạn có thể nhận biết người bị đột quỵ qua những dấu hiệu sau:
- Đột ngột yếu hay liệt mặt tay hoặc chân (đặc biệt là ở một bên của cơ thể).
- Không nói được hoặc khó khăn trong nói hay hiểu ngôn ngữ.
- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt chỉ ở một mắt.
- Đột ngột nhức đầu dữ dội, chóng mặt, mất thăng bằng, mất khả năng phối hợp vận động.
Khi người thân bị đột quỵ bạn cần biết cách sơ cấp cứu để giúp họ tránh khỏi nguy cơ tử vong (Nguồn: Internet)
Ngay khi có những dấu hiệu này, người bệnh cần được đưa đi cấp cứu kịp thời.
2. Những điều cần biết để sơ cứu bệnh nhân đột quỵ
Các bác sĩ khuyến cáo, trong 3 giờ đầu sau đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi cao. Với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp,…nếu thấy những dấu hiệu trên thì gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện sớm.
Trường hợp bệnh nhân bị ngừng tim bạn cần ép tim bệnh nhân vào lồng ngực (Nguồn: Internet)
Trong khi chờ đợi cấp cứu cần phải:
- Đặt người bệnh nằm lên một mặt phẳng nằm ngang, không đặt người bệnh lên đệm lò xo có độ lún quá sâu sẽ làm thay đổi tư thế đầu.
- Đặt người bệnh hơi nghiêng, vì nếu dịch trong miệng chảy ra nhiều sẽ chảy ra bên mép chứ không chảy xuống đường thở gây ngạt thở.
- Trường hợp bệnh nhân bị nôn, cần xoay người bệnh sang một bên để tránh đờm, dãi chui vào mũi, phổi.
- Nếu bệnh nhân khó thở, người nhà cần thổi hơi vào miệng, nếu bệnh nhân ngừng tim thì cần ép tim vào lồng ngực.
- Nên yêu cầu bệnh nhân lặp lại một cụm từ đơn giản, chú ý những lời nói lắp hoặc khó hiểu.
Lưu ý: Bạn không nên tự lái xe chở bệnh nhân đến bệnh viện vì những nhân viên y tế hiểu rõ những việc cần làm hơn bạn và họ có thể bắt đầu việc điều trị cho bệnh nhân ngay trên xe cấp cứu trên đường đến bệnh viện.
3. Những điều không nên làm khi có người thân bị đột quỵ
Theo TS. BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, bệnh viện 115 TP.HCM, khi thấy những triệu chứng của đột quỵ, người nhà bệnh nhân thường gặp nhiều sai lầm như: Thường nghĩ bệnh nhân bị trúng gió rồi vắt chanh cho bệnh nhân uống hay đưa tới phòng mạch tư mà không nghĩ đến việc đưa bệnh nhân tới bệnh viện ngay.
Sai lầm tiếp theo là người nhà cố hạ huyết áp cho bệnh nhân ngay trước khi đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Điều này rất nguy hiểm vì khi chưa biết đây là tình trạng thiếu máu não hay xuất huyết não mà vẫn cố hạ huyết áp quá sớm thì vô tình chúng ta đã làm hại bệnh nhân, do lưu lượng máu sẽ giảm đột ngột và triệu chứng càng xấu đi.
Do đó, khi người thân bị đột quỵ, bạn tuyệt đối không tự ý cạo gió, xoa bóp hay cho bệnh nhân uống bất kỳ loại thuốc nào, nhất là thuốc hạ huyết áp.
4. Cách phòng tránh đột quỵ
Theo các chuyên gia y tế, để phòng ngừa bệnh, mỗi người nên có lối sống khoa học như hạn chế ăn nhiều đạm béo, tăng cường rau xanh và trái cây, không hút thuốc lá, không uống nhiều bia rượu, thức quá khuya. Đồng thời, bạn nên tập luyện thể dục thể thao đều đặn và ngủ đủ giấc để phòng tránh đột quỵ.