Rối loạn thần kinh tim là gì, có chữa được không?

(VOH) - Rối loạn thần kinh tim không gây ra những tổn thương thực thể lên tim, tuy nhiên, nó lại làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy rối loạn thần kinh tim thực chất là bệnh gì?

Nếu như người mắc bệnh tim thường xuất hiện các triệu chứng khó thở, nặng ngực, ho, mệt mỏi.... thì dường như bệnh rối loạn thần kinh tim cũng có những triệu chứng tương tự. Tuy nhiên, rối loạn thần kinh tim lại không hề liên quan đến căn bệnh tim thực thể.

1. Rối loạn thần kinh tim là gì?

“Thần kinh tim” là một cụm từ dùng để chỉ “hệ thần kinh thực vật”, đây là hệ thần kinh đóng vai trò quan trọng đối với các hoạt động sinh lý bình thường của cơ thể. Hệ thần kinh thực vật có thể kiểm soát hoạt động các cơ quan trong cơ thể một cách tự động không phụ thuộc bộ não như tim, dạ dày, ruột gan, thận, bàng quang, mạch máu, nhịp tim....

roi-loan-than-kinh-tim-voh-0
Rối loạn thần kinh tim là tình trạng hệ thần kinh thực vật bị rối loạn (Nguồn: Internet)

Như vậy, rối loạn thần kinh tim là tình trạng hệ thần kinh thực vật bị rối loạn, liên quan với các biểu hiện như: nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm, nhịp tim không đều kèm theo hồi hộp, đánh trống ngực, mất ngủ, tăng huyết áp… Ngoài ra, bạn có thể có cảm giác mệt mỏi, đau nhức, nhói ở vùng tim hoặc ngực.

Rối loạn thần kinh tim không phải là bệnh tim thực thể, nghĩa là trái tim của bạn vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, chứng rối loạn thần kinh tim lại có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và tâm lý của người mắc bệnh.

2. Triệu chứng rối loạn thần kinh tim

Khi thần kinh tim bị rối loạn sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát xung động, dẫn truyền tín hiệu điện trong tim và làm rối loạn nhịp tim. Do đó, các triệu chứng rối loạn thần kinh tim thường khá giống với hầu hết các bệnh lý về tim mạch.

Các triệu chứng thường gặp nhất của chứng rối loạn thần kinh tim có thể bao gồm:

2.1 Khó thở

Người bệnh sẽ có cảm giác ngộp thở, hụt hơi và phải rướn người lên để thở hoặc hít thật sâu mới thấy dễ chịu. Những người bị khó thở do rối loạn thần kinh tim thường sợ nơi đông đúc, ồn ào và thích ở nơi thoáng khí gần cửa sổ.

2.2 Đánh trống ngực

Đây là một trong những triệu chứng thường gặp nhất khi bị rối loạn nhịp tim. Trong những trường hợp căng thẳng, áp lực, mệt mỏi, người bệnh thường có cảm giác tim đập dồn dập một cách bất thường.

2.3 Đau ngực

Người bệnh thường có cảm giác đau, nóng, rát ở vùng ngực, đau nhói hoặc đau thắt ngực. Cơn đau xuất hiện đột ngột nên khiến người bệnh cảm giác giống như bị nghẹt thở và căng tức ở vùng ngực.

roi-loan-than-kinh-tim-voh-1
Bệnh rối loạn thần kinh tim có thể gây ra triệu chứng đau ngực (Nguồn: Internet)

2.4 Chóng mặt

Các triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân là cảm giác choáng váng, mất thăng bằng, đứng không vững hoặc muốn ngất xỉu. Đó là do khi nhịp tim nhanh quá mức sẽ gây ra tình trạng thiếu máu não hoặc gây hạ huyết áp tư thế.

2.5 Tăng thông khí

Tình trạng này khá phổ biến ở người rối loạn thần kinh tim do rối loạn lo âu. Triệu chứng ban đầu là tê cứng và ngứa ran ở vùng xung quanh miệng, sau đó người bệnh cảm thấy lo lắng, hốt hoảng, thở nhanh và dễ bị ngất xỉu.

2.6 Run chân tay và đổ mồ hôi

Triệu chứng này thường xảy ra khi tinh thần bệnh nhân bị hoảng loạn và tim đập nhanh. Các triệu chứng khác còn có thể xuất hiện kèm theo như chứng run tay chân, đổ mồ hôi do hệ thần kinh thực vật bị kích thích quá mức.

2.7 Mệt mỏi

Người bệnh sẽ có cảm giác uể oải và thiếu sức sống. Tình trạng mệt mỏi do rối loạn thần kinh tim thường kéo dài khá lâu và khó hồi phục, ngay cả khi người bệnh đã được nghỉ ngơi.

2.8 Mất ngủ

Người bệnh thường cảm thấy lo lắng, bồn chồn vô cớ dẫn đến trằn trọc, khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc.

2.9 Tăng huyết áp

Nhiều người đặt câu hỏi “rối loạn thần kinh tim có làm tăng huyết áp không?” Thực tế, khi thần kinh thực vật bị rối loạn sẽ khiến huyết áp người bệnh tăng cao, người bệnh dễ bị chóng mặt, choáng váng nhẹ, đầu óc quay cuồng, không đứng vững, thậm chí là muốn ngất.

Xem thêm: Cao huyết áp và những biến chứng nguy hiểm không phải ai cũng biết

3. Nguyên nhân rối loạn dây thần kinh tim

Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn thần kinh tim thường khó xác định một cách rõ ràng, có thể là biến chứng của một số bệnh lý hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc.

Một số nguyên nhân thường gặp nhất có thể gây ra rối loạn thần kinh tim có thể kể đến là:

3.1 Tâm lý căng thẳng

Do cảm xúc thay đổi như giận dữ, sợ hãi, đau buồn,… chấn thương tâm lý, stress, rối loạn lo âu,…

3.2 Rối loạn nồng độ ion cơ tim

Các trường hợp sốt, mất nước hoặc tác dụng phụ của thuốc điều trị.

3.3 Bệnh tiểu đường

roi-loan-than-kinh-tim-voh-2
Bệnh tiểu đường có thể là nguyên nhân gây ra rối loạn thần kinh tim (Nguồn: Internet)

Người mắc bệnh tiểu đường nhưng không được kiểm soát tốt cũng có thể khiến hệ thần kinh thực vật gặp áp lực, căng thẳng gây ra rối loạn.

3.4 Bệnh tự miễn

Một số bệnh tự miễn như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp hay hội chứng Guillain Barre đều có thể khiến thần kinh tim bị căng thẳng.

3.5 Thói quen sống

Người ít vận động hoặc không tập thể dục, sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, trà đặc, cà phê,...

Một số trường hợp, rối loạn thần kinh tim có thể là do di truyền.

4. Rối loạn thần kinh tim có nguy hiểm không?

Mặc dù rối loạn thần kinh tim không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tác động của các triệu chứng lại ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống rất nặng nề.

Người bị rối loạn thần kinh dễ rơi vào trạng thái lo lắng, sợ hãi, trầm cảm, mệt mỏi vì có triệu chứng nhưng đi khám mãi không phát hiện ra bệnh. Thậm chí một số người còn thường bị mộng mị hay bóng đè dẫn đến hoảng loạn tâm thần và cảm thấy như mình đang bị bệnh tâm linh.

Chính những điều này sẽ làm cho tình trạng rối loạn thần kinh tim trở nên trầm trọng hơn, từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả sức khỏe tinh thần và thể chất. Người bệnh, dần không muốn tiếp xúc với những người xung quanh, dễ dẫn đến u uất, trầm cảm.

Xem thêm: Bệnh trầm cảm – chuyện không của riêng ai nhưng chưa chắc đã được hiểu tường tận!

5. Bệnh rối loạn thần kinh tim có chữa được không?

Rối loạn thần kinh tim bản chất là rối loạn lo âu, được kích hoạt bởi các sang chấn tinh thần do áp lực, căng thẳng trong cuộc sống, bệnh tật, tai nạn hoặc mất người thân, do đó, căn bệnh này rất khó để chữa dứt điểm.

roi-loan-than-kinh-tim-voh-3
Người bị rối loạn thần kinh nên biết kiểm soát stress, thay đổi lối sống theo hướng tích cực (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, nếu người bệnh biết quản lý stress, thay đổi lối sống theo chiều hướng tích cực kết hợp với việc xây dựng chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp cải thiện triệu chứng đáng kể.

Xem thêm: Những thực phẩm nên ăn, nên kiêng giúp bạn 'thổi bay' chứng rối loạn thần kinh tim dễ dàng

Đồng thời, người bị rối loạn thần kinh tim nên tuân thủ phát điều điều trị bệnh của bác sĩ. Trong một số trường hợp, người bệnh sẽ cần sử dụng thuốc an thần, thuốc chống lo âu, trầm cảm, thuốc giảm nhịp tim nhóm chẹn beta kết hợp với tâm lý trị liệu giúp bệnh nhanh hồi phục.

Tuy nhiên, khi khi sử dụng các loại thuốc này, bệnh nhân cần làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thay đổi liều lượng, dùng ít hơn hoặc nhiều hơn liều uống quy định đều có thể khiến cho tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

6. Một số lưu ý khi bị rối loạn thần kinh tim

Để điều trị và phòng ngừa chứng rối loạn thần kinh thì việc kiểm soát được stress, lo âu, căng thẳng và điều trị tốt các bệnh lý nền là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, người bị rối loạn thần kinh tim cũng cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Không nên thức quá khuya.
  • Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, uống trà đậm, cà phê,…
  • Nghỉ ngơi hoàn toàn trong một khoảng thời gian nhất định, từ 1 – 3 tháng ở những nơi yên tĩnh.
  • Tránh bị xúc động quá mức hoặc căng thẳng thần kinh.
  • Nên ăn nhiều rau, trái cây tươi.
  • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày với các môn như đi bộ, thể thao, yoga, thái cực quyền,…

Rối loạn thần kinh tim mặc dù không gây ra những nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người bệnh, nhưng lại có thể khiến người bệnh luôn sống trong tâm thế bất an, lo lắng, lâu dài sẽ làm suy kiệt sức khỏe. Do đó, khi đã hiểu rõ căn bệnh này bạn cần tuân thủ lối sống lành mạnh và phác đồ điều trị từ bác sĩ để giúp nhanh chóng thoát khỏi bệnh tình.

Bình luận