Rối loạn thần kinh tim là bệnh lý với những triệu chứng tim đập nhanh – chậm, hay hồi hộp, choáng váng, chóng mặt, ngất... Đôi khi có cảm giác đau tức, nhói ở vùng tim nhưng không phải bệnh tim thực thể.
Đa số các trường hợp rối loạn thần kinh tim xảy ra là do tình trạng không ổn định của hệ thống thần kinh trung ương và một phần của hệ thống thần kinh tự động trong tim gây ra. Do đó, bệnh cần được điều trị theo phác đồ của bác sĩ cũng như những thay đổi trong lối sống, nghĩ ngơi và ăn uống của người bệnh.
1. Bệnh rối loạn thần kinh tim nên ăn gì?
Có thể nói, một trong những cách giúp khắc phục chứng rối loạn thần kinh tim là thông qua chế độ ăn uống. Một chế độ ăn uống giàu dưỡng chất, đặc biệt là các dưỡng chất có thể giúp cải thiện tình trạng. Do đó, một số thực phẩm người bệnh rối loạn thần kinh tim nên ăn:
1.1 Thực phẩm giàu vitamin C
Thực phẩm giàu vitamin C được xem như những chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có thể chống lại các gốc tự do, giúp giảm stress, thư giãn cơ thể và điều hòa hệ thống thần kinh hoạt động ổn định.
Người bị rối loạn có thể bổ sung vitamin C từ các loại trái cây, rau củ trong tự nhiên, chẳng hạn như: sơ ri, ổi, cam, quýt, chanh, bưởi, kiwi, súp lơ, cà chua,...
Xem thêm: Ngoài cam, chanh, bạn có thể ăn các thực phẩm giàu vitamin C này để cơ thể không bị thiếu chất
1.2 Thực phẩm giàu vitamin B
Thiếu hụt vitamin nhóm B, nhất là vitamin B6, B9, B12 sẽ làm tăng tiết hormone cysteine, đây là một chất làm tăng nhịp tim. Cho nên, người bị rối loạn thần kinh tim nên ăn nhiều các thực phẩm có chứa vitamin B như: quả bơ (nhiều vitamin B6), ngũ cốc nguyên cám, gạo lứt, hạt óc chó, hạt điều, các loại đậu, chuối và măng tây... để khắc phục tình trạng này.
Xem thêm: Xem ngay những loại thực phẩm giàu vitamin B quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết
1.3 Thực phẩm có chứa chất Choline
Choline là một chất giống như vitamin B, tương tự như folate và nó được sử dụng trong chu trình methyl hóa. Người bị rối loạn thần kinh tim nếu tiêu thụ choline đủ lượng có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh.
Choline chủ yếu được tìm thấy trong trứng và đậu phụ, và trong hầu hết các loại thịt.
1.4 Thực phẩm giàu omega-3
Ăn nhiều các loại thực phẩm giàu chất béo omega-3 có thể giúp làm giảm tần suất và mức độ rối loạn nhịp tim.
Vì thế, nếu bạn muốn cải thiện tình trạng bệnh của mình bạn nên tăng cường bổ sung omega-3 bằng cách ăn các loại cá như: cá thu, cá hồi, cá trích, cá mòi... ít nhất 2 lần/tuần.
Xem thêm: Thực phẩm chứa omega 3 tốt cho sức khỏe bạn không nên bỏ qua
Ngoài ra, bạn cũng nên tăng cường bổ sung thêm các thực phẩm giàu chất xơ, khoáng chất, điện giải.... để giúp ổn định nhịp tim.
2. Rối loạn thần kinh tim nên kiêng gì?
Bệnh rối loạn thần kinh tim nên bổ sung nhiều những thực phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh. Đồng thời cũng nên tránh một số loại thực phẩm có thể khiến bệnh ngày càng nghiêm trọng, cụ thể là:
2.1 Thực phẩm giàu carbohydrate
Người bị rối loạn thần kinh tim khi tiêu thụ nhiều sản phẩm có chứa đường, đặc biệt là lúc đói, sẽ làm tăng sản sinh hormone adrenaline gây tăng nhịp tim.
Do đó, nếu bạn thấy có các triệu chứng rối loạn thần kinh tim sau khi ăn các thực phẩm giàu carbohydrate thì bạn nên chủ động cắt giảm các thực phẩm này để tránh nhịp tim tăng quá cao.
2.2 Thực phẩm chứa gluten
Nếu bạn thuộc nhóm người không dung nạp gluten nhưng vẫn tiêu thụ thực phẩm giàu gluten có thể sẽ khiến chứng rối loạn thần kinh trở nên nghiêm trọng hơn. Tốt nhất hãy nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn một chế độ ăn không gluten.
2.3 Sữa và các chế phẩm từ sữa
Giống như gluten, sữa và các chế phẩm từ sữa không thích hợp với những người bị chứng rối loạn thần kinh tim. Các sản phẩm từ sữa có thể khiển khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn với những người không dung nạp lactose hoặc những người bị dị ứng protein trong sữa.
Tuy nhiên, sữa là một trong những nguồn cung cấp đầy đủ nhất các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vì thế, bạn cần trao đổi với bác sĩ để được bổ sung các thực phẩm giàu calci khác thay thế sữa.
2.4 Hạn chế uống đồ uống có chứa cafein
Uống nhiều các loại đồ uống có chứa cafein như trà, cà phê, nước tăng lực... có thể sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng rối loạn thần kinh tim.
2.5 Không uống rượu bia
Uống nhiều rượu bia có thể làm tăng huyết áp, tim đập nhanh và gây giãn nở mạch máu. Thực tế, các loại đồ uống có cồn đều có thể gây rối loạn nhịp tim ngay cả ở người bình thường. Vì thế, người bị rối loạn thần kinh tim nên hạn chế hoặc không uống rượu bia để tránh làm bệnh càng thêm nghiêm trọng.
Xem thêm: Cách khắc phục chứng rối loạn nhịp tim hiệu quả: từ thuốc đến chế độ ăn uống và sinh hoạt
3. Những điều người bệnh rối loạn thần kinh nên làm
Các chuyên gia y tế đều cho rằng, “chìa khóa” trong điều trị và phòng ngừa rối loạn thần kinh tim chính là kiểm soát được lo âu, điều trị tốt các bệnh lý nền và nên có sự kết hợp với lối sống lành mạnh, tích cực để bệnh tình có thể thuyên giảm.
3.1 Suy nghĩ tích cực
Người bị rối loạn thần kinh tim cần phải giữ tinh thần thật thoải mái, suy nghĩ tích cực lạc quan, tránh lo âu, căng thẳng quá mức.
Tốt nhất nên được nghỉ ngơi hoàn toàn trong một khoảng thời gian nhất định từ 1 - 3 tháng ở những nơi yên tĩnh. Tránh bị xúc động quá mức hoặc căng thẳng thần kinh.
3.2 Dùng thuốc đúng hướng dẫn
Bác sĩ thường sẽ có chỉ định dùng thuốc an thần cho người bị rối loạn thần kinh tim khi xúc động mạnh, tim đập dồn dập, khó ngủ hoặc mất ngủ. Tuy nhiên, việc dùng thuốc phải tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Không tự ý thay đổi liều lượng vì có thể gây ra phản ứng ngược khiến tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.
3.3 Tập thể dục
Nên tập thể dục thể thao đều đặn 30 phút mỗi ngày với những môn thể thao hữu ích có lợi cho người bệnh như đi bộ, bơi lội, đạp xe, thái cực quyền... nhằm tăng cường sức khỏe trái tim, giúp tim đập ổn định hơn.
3.4 Tạo thói quen lành mạnh
Nên tạo cho mình những thói quen lành mạnh tốt cho nhịp tim, chẳng hạn như:
- Không hút thuốc lá và tránh xa môi trường có khói thuốc.
- Không lạm dụng rượu bia và các chất kích thích khác.
- Ngủ đủ 6 – 8 tiếng mỗi ngày, không thức quá khuya.
Như vậy, rối loạn thần kinh tim mặc dù không phải là bệnh nguy hiểm nhưng nó lại ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Do đó, bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ người bệnh nên thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng bệnh.