Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Bệnh trĩ: Phân loại, nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng trị

(VOH) - Bệnh trĩ thường gây nhiều khó khăn vì người bệnh thường bỏ qua những triệu chứng nhẹ và tâm lý thường ngại khi đi khám. Vậy căn bệnh này có nguy hiểm không?

Đối tượng mắc bệnh trĩ ngày càng trẻ hóa và có xu hướng tập trung ở thành thị nhiều hơn là nông thôn. Sự thực là nhiều người bị bệnh trĩ nhưng giấu do ngại phải nhận những lời bàn tán, đùa cợt từ người quen, bạn bè xung quanh nên họ thường lẳng lặng chịu đựng cho đến lúc bệnh đã trở nặng.

1. Bệnh trĩ là gì ?

Bệnh trĩ không chỉ đơn thuần là bệnh của tĩnh mạch. Đây là các bệnh của 1 hệ thống mạch máu từ tiểu động mạch, tĩnh mạch, thông nối động tĩnh mạch đến cơ trơn và mô liên kết được lót bởi lớp biểu mô bình thường của ống hậu môn. Đám rối tĩnh mạch nằm ở lớp dưới niêm được nâng đỡ bởi cấu trúc mô sợi đàn hồi. 

Tình trạng gia tăng áp lực thường xuyên như rặn đi cầu, kèm ứ máu liên tục sẽ dẫn đến phình giãn và tạo các búi trĩ vào trong lòng ống hậu môn. Đồng thời càng lớn tuổi, các cấu trúc mô liên kết nâng đỡ ngày càng bị suy yếu, các búi trĩ tụt dần ra khỏi lỗ hậu môn dẫn đến trĩ nội sa.

2. Các loại bệnh trĩ hiện nay

Trĩ chủ yếu có 2 loại, bao gồm trĩ nội và trĩ ngoại.

  • Trĩ ngoại: Khi búi trĩ xuất phát phía dưới đường lược (hay còn gọi là đường hậu môn-trực tràng). Lúc này búi trĩ được phủ bởi lớp biểu mô vảy và nằm bên dưới lớp da bao quanh hậu môn;
  • Trĩ nội: Nếu búi trĩ xuất phát phía trên đường lược thì được gọi là trĩ nội, và búi trĩ được bao phủ bởi niêm mạc và lớp biểu mô chuyển tiếp.

benh-tri-phan-loai-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-phong-tri-voh-1
Bệnh trĩ gồm 2 loại, trị nội và trĩ ngoại (Nguồn:Internet)

3. Nguyên nhân bệnh trĩ thường gặp

Búi trĩ có thể phát triển do áp lực gia tăng ở phần dưới trực tràng do:

  • Rặn khi đi cầu;
  • Ngồi lâu trên bồn cầu;
  • Tiêu chảy hoặc táo bón mạn tính;
  • Béo phì;
  • Mang thai;
  • Giao hợp qua đường hậu môn;
  • Chế độ ăn ít chất xơ;
  • Bệnh trĩ gia tăng theo tuổi vì cấu trúc mô nâng đỡ các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn bị trở nên lỏng lẻo và nhão dần.

Xem thêm: Nguyên nhân bệnh trĩ là những thói quen nhiều người mắc phả

3.1 Các yếu tố gây nguy cơ mắc bệnh trĩ

Sau đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ:

  • Táo bón, hoặc tiêu chảy làm tăng tần suất bệnh trĩ, rặn làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch gây căng giãn và ứ máu;
  • Chế độ ăn ít chất xơ, làm tăng tần suất bệnh trĩ;
  • Thừa cân và béo phì, làm gia tăng tần suất bệnh;
  • Gia tăng áp lực ổ bụng gặp trong những người thường xuyên lao động nặng như khuân vác, vận động viên cử tạ, quần vợt,..., đứng lâu, ngồi nhiều như thư ký, thợ may, nhân viên bán hàng làm gia tăng áp lực ổ bụng cản trở sự hồi lưu máu về tim đưa đến giãn tĩnh mạch hậu môn;
  • U vùng tiểu khung bao gồm u đại trực tràng, u ở tử cung và thai nhiều tháng làm cản trở hồi lưu máu trở về tim gây giãn tĩnh mạch.

4. Cách nhận biết triệu chứng bệnh trĩ

Nhìn chung triệu chứng của bệnh trị bao gồm: 

  • Chảy máu không kèm đau trong quá trình đi tiêu. Ban đầu có thể thấy một lượng kín đáo máu đỏ tươi trên giấy vệ sinh hoặc trong bồn cầu. Chảy máu là triệu chứng sớm nhất và thường gặp nhất. Về sau khi rặn nhiều thì máu chảy thành giọt hay thành tia. Nặng hơn là khi ngồi xổm cũng chảy máu;
  • Ngứa hoặc kích thích ở vùng hậu môn do dịch nhầy từ sự bài tiết của niêm mạc ống hậu môn;
  • Đau hoặc khó chịu, dao động từ không đau, đau ít đến rất đau do nứt hậu môn, tắc hoặc nghẹt;
  • Sưng vùng quanh hậu môn;
  • Một khối nhô lên gần hậu môn, rát hoặc đau (có thể là huyết khối tại búi trĩ).

Ngoài ra, mỗi loại trĩ còn có những dấu hiệu riêng, chẳng hạn như: 

  • Trĩ ngoại: gây khó chịu nhất, bởi vùng da trên búi trĩ bị kích thích và bị loét. Người bệnh sẽ dễ dàng nhận thấy có một khối nhô lên quanh hậu môn. 
  • Trĩ nội: thường không gây đau và không thể nhìn thấy hay cảm nhận được. Tuy nhiên, trong lúc rặn đi cầu, phân khi đi ngang hậu môn có thể làm trầy xước bề mặt búi trĩ và làm chảy máu. Ngoài ra, trĩ nội cũng có thể bị sa ra ngoài hậu môn tạo trĩ nội sa. Khi trĩ bị sa, nó có thể hấp thu một lượng nhỏ chất nhầy và phân có thể gây kích thích gây ra ngứa, đau và rát.

Xem thêm: Kiểm tra xem mình có đang có dấu hiệu của bệnh trĩ hay không

4.1 Bệnh trĩ có nguy hiểm không ?

Trĩ có thể trở thành mãn tính và gây đau nhức khó chịu. Tuy nhiên, hầu hết trường hợp bệnh không có biến chứng kèm theo. Mặc dù vậy, trong vài trường hợp hiếm gặp, sự hiện diện của huyết khối có thể làm vỡ búi trĩ, dẫn đến tình trạng đau nhức và chảy máu nhiều hơn. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết vị trí vỡ thường có thể tự lành mà không cần đến sự can thiệp y tế. 

Đôi khi, triệu chứng xuất huyết cũng có nguy cơ tạo điều kiện cho bệnh thiếu máu phát triển. Ngoài ra, một biến chứng khác có nhiều khả năng phát sinh là trĩ thắt. Lúc này, người bệnh không chỉ cảm thấy đau đớn cực độ mà còn có rủi ro bị nhiễm trùng. Đây cũng là lý do những người bị trĩ nên sớm điều trị dứt điểm nhằm ngăn chặn vấn đề này phát sinh. 

5. Cách chẩn đoán bệnh trĩ

Quá trình chẩn đoán bệnh trĩ tại các bệnh viện hay cơ sở y tế thường bao gồm những yếu tố như sau:

  • Kiểm tra tổng quát tại khu vực trực tràng và hậu môn;
  • Nội soi đại tràng và hậu môn;
  • Tìm kiếm dấu hiệu máu lẫn trong phân.

benh-tri-phan-loai-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-phong-tri-voh-2
Bác sĩ sẽ thực hiện các chẩn đoán và xét nghiệm để xác định tình trạng mức độ bệnh trĩ (Nguồn:Internet)

6. Cách điều trị bệnh trĩ

6.1 Điều trị nội khoa

  • Chế độ ăn nhiều chất xơ là phương pháp điều trị hữu hiệu cho trĩ xuất huyết, hạn chế các chất kích thích như rượu, ớt;
  • Tránh hoạt động quá mạnh, tránh ngồi nhiều hoặc đứng quá lâu. Thay đổi thói quen đi cầu tránh táo bón;
  • Ngồi ngâm hậu môn trong nước ấm giúp cải thiện triệu chứng;
  • Dùng thuốc: Có thể dùng các thuốc bôi hoặc nhét tại chỗ, thuốc hỗ trợ tuần hoàn tĩnh mạch.

6.2 Điều trị ngoại khoa

  • Đối với các trường hợp trĩ có các biến chứng huyết khối: bệnh trĩ có huyết khối nên được can thiệp sớm bằng cách thực hiện phương pháp cắt bỏ theo các phương pháp kinh điển hoặc phối hợp lấy huyết khối kèm cắt trĩ bằng các phương pháp khác;
  • Thắt vòng cao su: sử dụng vòng cao su để thắt đáy búi trĩ, từ đó cản bớt lưu lượng máu tại đây. Nhờ vậy, kích thước của búi trĩ có thể dần dần thu nhỏ lại;
  • Tiêm xơ búi trĩ: bác sĩ tiêm hóa chất vào các búi trĩ khiến chúng teo lại và tự rụng dần.
  • Quang đông hồng ngoại: thu nhỏ búi trĩ bằng tia hồng ngoại;
  • Phẫu thuật cắt búi trĩ: trong trường hợp kích thước búi trĩ quá lớn hoặc người bệnh không đáp ứng tốt với những phương pháp điều trị khác, phẫu thuật cắt bỏ sẽ được tiến hành.

Xem thêm: Các phương pháp đẩy lùi bệnh trĩ được áp dụng phổ biến hiện nay

7. Cách phòng ngừa bệnh trĩ

Để phòng ngừa bệnh trĩ, bạn cần tuân thủ áp dụng theo các phương pháp sau:

  • Uống nhiều nước: uống từ sáu đến tám ly nước và các chất lỏng khác (không phải rượu) mỗi ngày để giúp làm mềm phân;
  • Không rặn mạnh khi đi cầu vì khi cố gắng rặn sẽ tạo ra áp lực lớn hơn lên các tĩnh mạch ở trực tràng dưới làm búi trĩ phình to và dễ chảy máu;
  • Đi cầu ngay khi có cảm giác mắc cầu. Nếu bỏ lỡ cảm giác mắc đi cầu, niêm mạc trực tràng dần hấp thu nước trong phân bị ứ đọng, phân sẽ trở nên khô, cứng và khó hơn đi cầu hơn;
  • Tập thể dục: duy trì vận động mỗi ngày để giúp ngăn ngừa táo bón và giảm áp lực lên tĩnh mạch, có thể xảy ra khi đứng lâu hoặc ngồi lâu. Tập thể dục cũng có thể giúp giảm cân;
  • Tránh ngồi lâu: ngồi quá lâu, đặc biệt là trên bồn cầu, có thể làm tăng áp lực lên tĩnh mạch ở hậu môn.

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng hằng ngày phù hợp cũng là một trong những phương pháp giúp bạn hạn chế được nguy cơ mắc bệnh.

7.1 Bệnh trĩ nên ăn gì ?

  • Thực phẩm chứa chất xơ: chất xơ có vai trò quan trọng vào việc thúc đẩy tiêu hóa thức ăn, giảm đầy bụng, táo bón. Vì thế, những người bệnh trĩ nên ăn những thực phẩm chứa chất xơ;
  • Bổ sung thực phẩm giàu omega: bổ sung omega-3 là điều cần thiết cho cơ thể, giúp cơ thể chống lại những nguy cơ tiềm tàng của bệnh trĩ, ngoài ra giúp bạn có một làn da trẻ đẹp;
  • Vitamin C và vitamin E: vitamin C rất cần thiết cho việc hình thành và duy trì các mạch máu khỏe mạnh, chống lại những nguy cơ gây bệnh tiềm ẩn. Vitamin E là một vitamin tan trong chất béo, rất quan trọng cho màng tế bào, ngăn ngừa viêm nhiễm, chữa lành các mô bị viêm, giúp thu nhỏ các búi trĩ. Các thực phẩm giàu vitamin E như hạt dẻ, rau cải xanh, rau chân vịt, quả bơ, đu đủ…;
  • Các vi chất magie và kẽm: Đây là 2 khoáng chất vi mô giúp ổn định mạch máu, duy trì sự phát triển của các mô cơ, nhuận tràng, chống viêm và chữa lành những vết thương bên trong cơ thể.

Xem thêm: Đây là lý do bạn không nên để cơ thể bị thiếu kẽm

7.2 Bệnh trĩ nên kiêng gì ?

  • Ngũ cốc tinh chế: các loại ngũ cốc tinh chế bao gồm những loại ngũ cốc được xay nhuyễn và loại bỏ lớp vỏ cám. Những loại ngũ cốc này được dùng làm bánh quy, bánh snack, bánh mì… dễ gây táo bón dẫn đến bị trĩ;
  • Ăn quá nhiều thịt: thịt là thực phẩm cung cấp nhiều đạm (protein) cho cơ thể nhưng lại không chứa nhiều chất xơ, dễ gây khó tiêu, đầy bụng. Khi bạn tiêu thụ quá nhiều thịt dễ dẫn đến táo bón;
  • Thức ăn cay: một trong những thực phẩm cần tránh nếu bạn không muốn tình trạng trĩ thêm nặng đó là các món cay. Thực phẩm cay như ớt, tiêu, gừng, mù tạt… có tính nóng, khi hấp thụ vào cơ thể dễ tăng huyết áp, đổ mồ hôi, nếu bạn ăn quá nhiều làm cơ thể bị nóng trong người, gây táo bón, đau rát khi đi ngoài, dẫn đến trĩ;
  • Đồ ăn mặn: những thực phẩm mặn hấp thụ nước trong cơ thể khiến phân trở nên cứng. Lượng muối nạp vào cơ thể càng nhiều càng gây xáo trộn hệ tiêu hóa, khiến việc đi ngoài khó khăn hơn;
  • Thực phẩm chứa nhiều dầu: khi bạn bị trĩ, những thực phẩm chứa nhiều dầu dễ gây đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa làm tăng nguy cơ táo bón. Táo bón kéo dài gây áp lực lên hậu môn, từ đó làm các búi trĩ phát triển;
  • Đồ uống có cồn, chất kích thích: những thức uống có cồn, chất kích thích dễ làm cho nội tạng tích nhiệt, thời gian lâu sẽ xuống phần hậu môn gây trĩ;
  • Đồ ăn có nhiều đường và tinh bột: ăn quá nhiều đường và tinh bột tạo áp lực lên thành ruột dễ khiến bạn bị táo bón, ngứa hậu môn, làm bệnh trĩ trở nên nặng hơn;
  • Sản phẩm từ sữa: một số sản phẩm làm từ sữa như kem, bơ sữa chứa các chất bảo quản không phù hợp với những người có đường tiêu hóa yếu, dễ gây đầy bụng, khó tiêu.

Như vậy, đa số bệnh nhân nghĩ rằng có thể tự điều trị mà không cần đến chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, chảy máu từ hậu môn trực tràng ngoài trĩ còn rất nhiều bệnh lý khác từ lành tính đến ác tính như ung thư đại trực tràng, ung thư ống hậu môn, polyp đại trực tràng. Do đó, nếu thay đổi thói quen đi tiêu, thay đổi màu sắc phân hãy nhờ đến sự tư vấn từ bác sĩ.

Bình luận