Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Thiếu máu thiếu sắt: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

( VOH ) - Thiếu máu thiếu sắt là tình trạng thiếu máu xảy ra do cơ thể không đủ sắt để đáp ứng nhu cầu tạo hồng cầu vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thiếu máu thiếu sắt có đặc điểm là thiếu máu nhược sắc, sắt và Ferritin huyết thanh giảm. Thiếu máu thiếu sắt rất phổi biến và là dạng thiếu máu dinh dưỡng chủ yếu ở trẻ em.

1. Vai trò của sắt và nhu cầu sắt trong cơ thể

Sắt là một trong những chất vi lượng có vai trò quan trọng bậc nhất có mặt trong hầu hết các tổ chức của cơ thể. Sắt tham gia vào quá trình chuyển hóa như vận chuyển oxy, tổng hợp DNA, vận chuyển electron,…

thieu-mau-thieu-sat-dau-hieu-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-voh-1

Thiếu máu thiếu sắt xảy ra khi cơ thể không đủ chất sắt đáp ứng nhu cầu tạo hồng cầu (Nguồn: Internet)

Ở người bình thường, 90 – 95% lượng sắt trong cơ thể được tái sử dụng từ nguồn sắt hồng cầu già bị phá hủy và giải phóng ra, có 5 – 10% lượng sắt được bài tiết qua nước tiểu, mồ hôi và phân. Để bù lại lượng sắt mất, cơ thể nhận thêm sắt từ thức ăn, quá trình hấp thu sắt diễn ra chủ yếu ở dạ dày, hành tá tràng và đoạn đầu hỗng tràng.

2. Dấu hiệu thiếu máu thiếu sắt

Khi bị thiếu máu do thiếu sắt bạn sẽ có những triệu chứng sau đây:

  • Cảm giác mệt mỏi.
  • Chóng mặt.
  • Gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Khi thiếu máu thiếu sắt nặng, bạn có thể khó thở và da nhợt nhạt hơn. Tình trạng này kéo dài có thể gây đau miệng, khó nuốt, móng tay mềm, cong và dễ gãy,…

Ngoài ra, người bị thiếu máu thiếu sắt thường muốn ăn những thức ăn cứng, giòn như đá viên hay ăn những thứ kỳ lạ như bụi bẩn hoặc đất sét. Đây được gọi là hội chứng pica.

3. Nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt

Thiếu máu thiếu sắt xảy ra khi cơ thể không có đủ sắt để tạo ra đủ huyết sắc tố cần thiết. Vì vậy, thiếu máu do thiếu sắt liên quan trực tiếp đến tình trạng cơ thể thiếu chất sắt và có thể phát xuất từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể là:

3.1 Do mất máu

Khi các tế bào hồng cầu cũ bị phá vỡ, chất sắt bên trong được tái sử dụng để tạo ra các tế bào hồng cầu mới. Do đó, nguyên nhân của bệnh thiếu máu do thiếu sắt thường là mất máu nhiều dẫn đến tăng nhu cầu chất sắt để tạo thêm các tế bào máu thay thế lượng máu đã mất.

Khi mất máu, bạn sẽ bị mất chất sắt. Nếu bạn không có đủ lượng sắt dự trữ để bù đắp lại, bệnh thiếu máu do thiếu sắt sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Ở phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài, ra nhiều máu, u xơ hoặc chảy máu tử cung là những nguyên nhân làm mất chất sắt. Mất máu trong lúc sinh con cũng là một trường hợp làm giảm chất sắt ở phụ nữ.

Chảy máu trong cũng là nguyên nhân dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Đây là dạng mất máu khó phát hiện và nó có thể diễn biến từ từ.

Mất máu do vết thương nặng, phẫu thuật hoặc chảy máu thường xuyên cũng gây ra bệnh thiếu máu do thiếu sắt.

3.2 Không cung cấp đủ chất sắt trong chế độ ăn uống

Các nguồn thực phẩm chứa nhiều chất sắt gồm thịt, gia cầm, cá và các loại thực phẩm chức năng bổ sung chất sắt. Nếu bạn không thường xuyên ăn các loại thực phẩm nêu trên, bạn có khả năng mắc bệnh thiếu máu thiếu sắt.

Ngoài ra, bánh mì, ngũ cốc, đậu hũ, trái cây sấy khô, rau bó xôi và các loại rau xanh cũng là nguồn thực phẩm chứa sắt phong phú. Do đó, nếu chế độ ăn thiếu những loại thực phẩm này cũng dễ gây thiếu máu thiếu sắt.

Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em cũng rất phổ biến do cơ thể trẻ khó hấp thụ đủ chất sắt trong các bữa ăn hàng ngày.

3.3 Không có khả năng hấp thụ chất sắt

Có một số trường hợp dù tuân thủ chế độ ăn đủ sắt nhưng cơ thể lại không hấp thụ chúng, dẫn đến thiếu máu thiếu sắt. Điều này có thể do cơ thể đã trải qua phẫu thuật đường ruột (phẫu thuật thu nhỏ dạ dày) hoặc các bệnh về đường ruột (bệnh Celiac hoặc bệnh Crohn).

4. Những ai dễ bị thiếu máu thiếu sắt

Các yếu tố làm tăng nguy cơ thiếu máu thiếu sắt bao gồm:

  • Giới tính: Phụ nữ là đối tượng dễ bị thiếu máu thiếu sắt hơn nam giới vì thường xuyên bị mất máu do kinh nguyệt hàng tháng.
  • Độ tuổi: Trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ thiếu cân hoặc sinh non thường không nhận đủ chất sắt từ sữa mẹ hoặc sữa bột có thể bị thiếu máu thiếu sắt. Trẻ lớn hơn cũng cần nhiều chất sắt cho quá trình phát triển, do đó nếu chế độ ăn uống không lành mạnh và đa dạng thì trẻ cũng rất dễ bị thiếu sắt.
  • Ăn chay: Những người không thường xuyên ăn thịt có nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt nếu họ không ăn các thực phẩm giàu sắt thay thế cho thịt.
  • Hiến máu thường xuyên: Hiến máu thường xuyên có thể làm cạn kiệt nguồn dự trữ chất sắt, do đó dễ dẫn đến thiếu máu thiếu sắt.

5. Điều trị thiếu máu thiếu sắt như thế nào?

Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu máu. Thông thường, người bệnh sẽ cần bổ sung thêm sắt từ thuốc hoặc siro bổ sung chất sắt.

Nếu phương pháp bổ sung sắt không làm tăng nồng độ sắt trong cơ thể thì bạn có khả năng mắc bệnh do một nguồn xuất huyết hoặc do vấn đề hấp thụ chất sắt. Tùy vào nguyên nhân, các phương pháp điều trị thiếu máu thiếu sắt sẽ khác nhau ở mỗi trường hợp.

Lưu ý: Các nghiên cứu đã cho thấy thừa sắt có thể gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể và làm tăng nguy cơ tiểu đường, đau tim và ung thư, nhất là ở người già. Vì thế cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng các chế phẩm bổ sung sắt.

6. Cách phòng bệnh thiếu máu thiếu sắt

Để không bị thiếu máu thiếu sắt, bạn nên:

thieu-mau-thieu-sat-dau-hieu-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-voh-2

Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu sắt để tránh thiếu máu do thiếu sắt (Nguồn: Internet)

  • Bổ sung sắt trong suốt thời kỳ mang thai.
  • Thiết lập chế độ ăn uống cân bằng với thực phẩm giàu sắt như thịt, đậu và rau xanh.
  • Không nên uống trà, cà phê ngay sau khi ăn.
  • Nên nuôi trẻ bằng sữa mẹ trong năm đầu đời vì sắt trong sữa mẹ được hấp thu tốt hơn sữa bột.

7. Thiếu máu thiếu sắt nên ăn gì?

Khi bị thiếu máu thiếu thiếu sắt bạn nên bổ sung những thực phẩm sau đây:

  • Các loại thịt, trứng, gan, tim, cật.
  • Cá và các loại hải sản.
  • Các loại rau có lá màu xanh sẫm như rau đay, rau dền, rau ngót,…
  • Đu đủ, bí đỏ, táo, lê và các loại trái cây khác.

Lưu ý: Khi bổ sung thực phẩm giàu chất sắt cùng với thức ăn giàu vitamin C có thể giúp tăng cường hấp thu chất sắt hơn.

Bình luận