1/3 dân số thế giới sẽ phải sống ở những khu vực nóng nguy hiểm vào năm 2080

VOH - Một phần ba dân số toàn cầu sẽ sống trong điều kiện nóng đến mức nguy hiểm vào năm 2080 nếu thế giới tiếp tục quỹ đạo tăng nhiệt hiện tại.

Theo các nhà nghiên cứu từ Viện Hệ thống Toàn cầu của Đại học Exeter, nhiệt độ trung bình toàn cầu đang trên đà tăng 2,7 độ C trong hai thập kỷ cuối của thế kỷ này.

Những khu vực nóng nguy hiểm, hoặc những khu vực nằm ngoài khả năng sinh sống của con người, là nơi có nhiệt độ trung bình hàng năm trên 29 độ C.

Nhiệt độ cao hơn sẽ dẫn đến nhiều ca tử vong liên quan đến nhiệt, giảm năng suất lao động, dẫn đến sản lượng mùa màng thấp hơn, gia tăng di cư và lây lan các bệnh truyền nhiễm.

biến đổi khí hậu
Nhiệt độ trung bình toàn cầu đang trên đà tăng 2,7 độ C trong hai thập kỷ cuối của thế kỷ. - Ảnh: AFP

Nghiên cứu cho thấy, các vùng đất của Burkina Faso, Mali, Qatar, Aruba và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sẽ gần như nằm ngoài phạm vi sinh sống của con người. 

Xét về số người tuyệt đối bị ảnh hưởng, Ấn Độ, Nigeria và Indonesia sẽ chịu tác động tồi tệ nhất, với 600 triệu, 300 triệu và 100 triệu dân tương ứng sẽ bị ảnh hưởng vào cuối thế kỷ này.

Khả năng chịu được nhiệt độ cực cao sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự giàu có của các quốc gia và công dân của họ.

UAE và Qatar nằm trong số những quốc gia giàu nhất thế giới tính theo đầu người, trong khi Burkina Faso và Mali nằm trong số những quốc gia nghèo nhất.

Nếu thế giới giảm phát thải khí nhà kính đủ để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, thì số người bị ảnh hưởng bởi sức nóng nguy hiểm sẽ giảm xuống còn 90 triệu ở Ấn Độ, 40 triệu ở Nigeria và 5 triệu ở Indonesia.