Trong bản khuyến cáo đi lại vừa được cập nhật, Bộ Ngoại giao Anh cảnh báo công dân nước này có ý định hoặc chuẩn bị đến Thụy Điển về nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố, sau loạt sự kiện đốt kinh Koran của những nhóm chống Hồi giáo khiến tình hình an ninh tại quốc gia Bắc Âu trở nên bất ổn.
Bộ Ngoại giao Anh cũng cho biết giới chức Thụy Điển đã ngăn chặn thành công một vài vụ tấn công và bắt giữ một số đối tượng liên quan.
"Người dân nên cảnh giác vào thời điểm này. Phần tử khủng bố có thể tiến hành các vụ tấn công ở Thụy Điển, mà mục tiêu tiềm tàng là các địa điểm du khách nước ngoài thường ghé thăm", trích khuyến cáo của Bộ Ngoại giao Anh.
Phía Thụy Điển cho biết đã nhận được các cảnh báo của Anh. Trong thông cáo trao đổi với Anh, Cố vấn An ninh Quốc gia Thụy Điển - ông Henrik Landerholm thừa nhận việc gia tăng những rủi ro an ninh tại quốc gia của ông sau các vụ biểu tình đốt kinh Koran.
Ông Landerholm đề cập lại các vụ bạo loạn tại Đại sứ quán Thụy Điển ở Iraq vào ngày 19/7 và ở Lenbanon vào ngày 9/8 vừa qua, và vụ một nhân viên lãnh sự nước này bị bắn ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 1/8.
Ngoài Anh thì Mỹ cũng là quốc gia đưa ra khuyến cáo tương tự cho công dân.

Theo luật pháp Thụy Điển, hành động biểu tình và đốt kinh Koran không bị cấm, tuy nhiên với cộng đồng và các quốc gia Hồi giáo thì đây là hành vi báng bổ cực kỳ nghiêm trọng.
Qatar, Iran và Saudi Arabia đã triệu Đại sứ Thụy Điển để gửi công hàm phản đối, yêu cầu giới chức Thụy Điển thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn các hành vi “đáng hổ thẹn” và “lặp đi lặp lại”.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã gọi vụ việc trước Đại sứ quán Iraq tại Thụy Điển là một cuộc tấn công hèn hạ nhằm vào kinh Koran, là hành vi chống lại Hồi giáo.
Iraq cũng đã trục xuất Đại sứ Thụy Điển tại nước này như một phản ứng cứng rắn trước việc cấp phép cho các hành vi phỉ báng đạo Hồi. Nếu các hành vi này tiếp diễn, Iraq sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Thụy Điển.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng lên án việc đốt kinh Koran và cam kết sẽ bảo vệ người Hồi giáo khỏi sự thù ghét. "Kinh Koran thiêng liêng đối với người Hồi giáo", ông Putin nói trong chuyến đi hôm 28/6 tới khu vực Dagestan của Nga có đa số người dân theo Hồi giáo.