Chờ...

Chỉ gắn kết với Mỹ là chưa đủ giúp đảm bảo an ninh cho Nhật Bản?

VOH - Trong họp báo mới đây, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida ca ngợi việc tăng cường năng lực phòng thủ, cũng như gắn kết chặt chẽ hơn liên minh với Mỹ trong thời gian ông cầm quyền.

Trước thời Thủ tướng Kishida, người tiền nhiệm Shinzo Abe cũng tiến hành thay đổi mạnh mẽ chính sách quốc phòng, như diễn giải lại hiến pháp cho phép thực hiện quyền tự vệ tập thể.

c_US_Japan_Army
Quân đội Mỹ - Nhật trong 1 đợt tập trận chung - Ảnh: UCLA

Thủ tướng Kishida dường như đi theo con đường người tiền nhiệm vạch ra, đã thực hiện một loạt các bước củng cố an ninh quốc gia. Nâng cấp khả năng tấn công căn cứ của đối phương và tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP; dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu thiết bị phòng thủ sang nước thứ ba.

Chính sách như vậy cũng là yêu cầu của Hoa Kỳ - nước muốn người đồng minh châu Á tăng cường khả năng răn đe.

Một số chuyên gia cho rằng, tăng cường hợp tác Nhật Bản - Hoa Kỳ là cần thiết. Tuy nhiên, tình hình quốc tế hiện tại không đơn giản đến mức an ninh của Nhật Bản có thể được đảm bảo, nếu chỉ đi theo Hoa Kỳ hay con đường mà cố Thủ tướng Abe vạch ra.

Ngay lúc này, Nhật Bản cần cân bằng hai điều. Một là liên minh Nhật - Mỹ. Điều còn lại là ngoại giao với Trung Quốc cũng như phần còn lại của châu Á.

Thủ tướng Kishida đã nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao với láng giềng trong cuộc họp báo, trích dẫn câu tục ngữ “Hàng xóm gần quan trọng hơn bà con xa”.

Quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc đã cải thiện dưới thời Thủ tướng Kishida, phần lớn nhờ nỗ lực của Tổng thống Yun Suk-yeol, cũng như sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ.

Nhưng ngoại giao với Trung Quốc thì gặp không ít trắc trở.

Tăng cường năng lực phòng thủ, chỉ là biện pháp răn đe để ngăn ngừa xung đột vũ trang. Đồng thời, phải kết hợp với ngoại giao, nếu không sẽ dễ dẫn đến xung đột.

Ngoại giao con thoi giữa các lãnh đạo Trung Quốc và Nhật Bản đã bị đóng băng từ chuyến thăm Bắc Kinh của ông Abe tháng 10/2018.

Hơn 100 thành viên Quốc hội Nhật đã đến Đài Loan vào năm 2023, nhưng chuyến thăm của các thành viên Quốc hội Nhật đến Trung Quốc vẫn khiêm tốn. Ngoại giao nghị viện đang giảm dần.

Hoa Kỳ có lập trường cứng rắn chống lại Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, tuyên bố rằng họ không chấp nhận việc thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực.

Nhưng Hoa Kỳ cũng đồng thời gửi đi thông điệp rằng, họ không ủng hộ nền độc lập của hòn đảo.

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, tại sao Nhật Bản không lên tiếng, tuyên bố không chấp nhận nền độc lập của Đài Loan? Các ứng viên lãnh đạo LDP sắp tới, không nên chỉ tập trung vào liên minh Nhật - Mỹ. Tăng cường năng lực phòng thủ, còn là ngoại giao hợp lý với Trung Quốc.

Hoa Kỳ đã kiên quyết bảo vệ Israel – thực thể Liên Hợp Quốc nói có thể vi phạm luật pháp quốc tế khi gây ra thảm họa nhân đạo tại Gaza, đã trở nên cô lập trong cộng đồng quốc tế. Hoa Kỳ đã mất đi khả năng thuyết phục Trung Quốc - Nga về pháp quyền.

Theo chuyên gia Taketsugu Sato đăng trên Asahi Shimbun, điều này không tốt cho lợi ích quốc gia của Nhật Bản.

Một vấn đề khác cần cân bằng, là quan hệ giữa sức mạnh kinh tế, tài chính và chi tiêu quốc phòng. Nên tranh luận trực tiếp, xem việc mua tên lửa hành trình Tomahawk có hiệu quả về mặt kinh tế hay không?

Sức mạnh kinh tế là nguồn gốc sức mạnh quốc gia. Tuy nhiên, Nhật Bản là nước lớn duy nhất tăng trưởng GDP bị đình trệ thời gian dài.

Trách nhiệm cho sự trì trệ này nằm ở bộ máy chính trị. Nếu không giải quyết được chuyện khôi phục sức mạnh kinh tế, sẽ khó thực hiện các bước đi bền vững về an ninh.