Dịch Covid-19 ngày 28/2: Thế giới ghi nhận hơn 435 triệu ca mắc và gần 6 triệu người tử vong

(VOH) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7h30 sáng 28/2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 435.649.989 ca mắc Covid-19, trong đó có 5.967.366 ca tử vong.

Số bệnh nhân đã hồi phục đến nay là 366.090.929 người.

Trong 24 giờ qua, thế giới đã ghi nhận thêm 980.914 ca mắc mới Covid-19, trong đó các quốc gia phát hiện trên dưới 100.000 ca nhiễm mỗi ngày có thể kể tới như Nga (116.093 ca), Hàn Quốc (163.558), Đức (95.241 ca).

Ngày 27/2, Hong Kong ghi nhận 26.026 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh trong làn sóng dịch bệnh thứ năm lên 158.683 ca. Ngoài ra, trong 24 giờ qua, Hong Kong thông báo có 83 trường hợp tử vong, trong độ tuổi từ 19-100 và 60 ca đang trong tình trạng nguy kịch.

Nhà chức trách Hong Kong tiếp tục kêu gọi người dân hạn chế ra ngoài trong trường hợp không cần thiết, không tụ tập đông người để giảm lây lan hơn nữa, đồng thời những người dân nếu có triệu chứng hoặc đã từng đến những nơi có nguy cơ cao nên làm xét nghiệm nhanh.

Dịch Covid-19
Người dân Hong Kong xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đang tìm cách sống chung với dịch Covid-19, Hong Kong vẫn áp dụng các biện pháp chống dịch khắt khe. Những biện pháp này đã chứng tỏ thành công cho đến khi biến thể Omicron xuất hiện, khiến các quy trình truy vết và cách ly của thành phố này gặp nhiều khó khăn.

Trái ngược với Hong Kong, nhiều quốc gia khác đang dần nới lỏng các quy định phòng, chống dịch, tiến tới mở cửa.

Chẳng hạn, Mỹ đã điều chỉnh hướng dẫn đeo khẩu trang để phòng dịch Covid-19, theo đó hầu hết người dân nước này sẽ không phải đeo khẩu trang tại những địa điểm công cộng trong nhà, bao gồm cả học sinh các trường học.

Theo cách tính mới, hiện hơn 70% dân số Mỹ sống ở những khu vực không khuyến nghị đeo khẩu trang, trong đó có cả các trường học ở vùng xanh và vùng vàng. Tuy nhiên, hướng dẫn mới không được áp dụng trên các hệ thống giao thông.

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ chấm dứt tất cả biện pháp hạn chế phòng dịch còn lại, sau khi dữ liệu của chính quyền cho thấy số ca nhiễm biến thể Omicron đã giảm.

Philippines sẽ dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế phòng dịch ở thủ đô Manila vào tháng tới sau khi số ca nhiễm giảm mạnh và tỉ lệ tiêm chủng tăng lên.

Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) - vốn được xem là trung tâm du lịch và thương mại ở Trung Đông - đã dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang ngoài trời và cách ly bắt buộc đối với các trường hợp tiếp xúc với người mắc Covid-19.

Xem thêm: Australia chính thức mở cửa trở lại với du khách nước ngoài sau gần 2 năm

Tại Indonesia, Chính phủ đang cân nhắc thử nghiệm chương trình miễn cách ly đối với du khách quốc tế đến Bali trước ngày 14/3 do số ca mắc mới Covid-19 ở Bali tiếp tục giảm.

Cụ thể, du khách nước ngoài sẽ phải xuất trình chứng nhận thanh toán tiền đặt phòng khách sạn trong ít nhất 4 ngày nếu muốn đến Bali, trong khi những người Indonesia từ nước ngoài đến Bali cần cung cấp bằng chứng về nơi ở trên hòn đảo này.

Ngoài ra, du khách quốc tế muốn đến Bali cũng phải được tiêm chủng đầy đủ hoặc được tiêm mũi vắc xin tăng cường, bên cạnh yêu cầu thực hiện xét nghiệm PCR khi nhập cảnh và chờ kết quả xét nghiệm âm tính tại khách sạn. Nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính, du khách quốc tế sẽ được phép thực hiện những hoạt động khác theo các quy định y tế.

Bộ trưởng Pandjaitan khẳng định Bali được chọn làm địa điểm cho chương trình thí điểm vì tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 của địa phương này cao hơn các tỉnh khác của Indonesia. Nếu chương trình thí điểm ở Bali thành công, Chính phủ Indonesia sẽ mở rộng chính sách miễn cách ly trên toàn quốc kể từ ngày 1/4 hoặc sớm hơn.

Tính tới ngày 26/2, gần 10,7 tỷ liều vắc xin phòng Covid-19 đã được tiêm trên toàn thế giới, trong đó có hơn 55% dân số thế giới đã được tiêm đủ liều vắc xin. Riêng Việt Nam đạt tỷ lệ 78,21%.

Hiện nay, nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ đang thực hiện và thúc đẩy tiêm mũi tăng cường, cùng với đó triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi.

Chẳng hạn như Nhật Bản, quốc gia này đã bắt đầu triển khai tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi ở Tokyo và sau đó mở rộng ra cả nước trong tháng tới.

Nhật Bản sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em ở độ tuổi này, với liều lượng bằng 1/3 so với liều dùng cho trẻ em trên 12 tuổi. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 3 tuần lễ.