FAO: Giá lương thực thế giới tăng vượt kỷ lục

VOH - Ngày 5/5, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) công bố số liệu cho thấy, chỉ số giá lương thực thế giới trong tháng 4 đã lần đầu tiên tăng trong 1 năm.

Chỉ số giá của FAO - “thước đo” theo dõi giá cả các mặt hàng thực phẩm giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, trong tháng 4 ở mức 127,2 điểm, tăng so với mức 126,5 điểm ghi nhận trong tháng 3.

Chỉ số này hiện vẫn ở mức cao hơn 20% so với mức cao kỷ lục ghi nhận hồi tháng 3/2022, sau khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine - cuộc khủng hoảng địa chính trị tác động mạnh mẽ đến nguồn cung hàng hóa thế giới vốn khan hiếm sau dịch Covid-19.

FAO, Giá lương thực thế giới
Một kho đường ở Brazil. - Ảnh: FAO

Đọc thêm: Tăng giá bán lẻ điện bình quân từ hôm nay (4/5)

Theo FAO, việc các mặt hàng như đường, thịt và gạo tăng giá trong tháng 4 đã bù đắp cho sự sụt giảm giá của các sản phẩm như ngũ cốc, dầu thực vật và chế phẩm từ sữa.

Cụ thể, so với tháng 3, chỉ số giá đường trong tháng 4 tăng 17,6%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2011. Nguyên nhân do sản xuất giảm ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Liên minh châu Âu vì điều kiện thời tiết khô hạn cũng như sự khởi đầu chậm của mùa vụ. Vụ thu hoạch mía ở Brazil, cùng với giá dầu thô quốc tế cao hơn, có thể làm tăng nhu cầu đối với ethanol làm từ mía.

Chỉ số giá thịt tăng 1,3% so với tháng 3, chủ yếu do giá thịt heo cao hơn. Giá thịt bò quốc tế cũng tăng do nguồn cung gia súc để giết mổ giảm, đặc biệt là ở Hoa Kỳ.

Ngược lại, chỉ số giá dầu thực vật đã giảm 1,3% trong tháng, ghi nhận mức giảm hàng tháng thứ năm liên tiếp. Giá dầu cọ thế giới ổn định, trong khi báo giá dầu đậu nành, hạt cải dầu và dầu hướng dương giảm do áp lực thu hoạch theo mùa từ vụ thu hoạch đậu tương có khả năng đạt kỷ lục ở Brazil.

Chỉ số giá sữa giảm 1,7%, do bị ảnh hưởng bởi nhu cầu nhập khẩu bột sữa trên toàn cầu giảm liên tục và khả năng xuất khẩu phô mai cao hơn ở Tây Âu.

FAO cho biết, chỉ số giá ngũ cốc giảm 1,7% so với tháng 3 và trung bình thấp hơn 19,8% so với giá trị tháng 4/2022. Giá lúa mì quốc tế giảm 2,3%, chủ yếu do lượng lúa mì sẵn có để xuất khẩu lớn ở Australia và Liên bang Nga. Giá ngô thế giới giảm 3,2% do nguồn cung ở Nam Mỹ tăng theo mùa với các vụ thu hoạch đang diễn ra. 

Nhà kinh tế trưởng của FAO, ông Maximo Torero nhận định, việc các nền kinh tế phục hồi hậu giai đoạn suy yếu sau đại dịch Covid-19 sẽ làm gia tăng nhu cầu, qua đó gây áp lực tăng giá thực phẩm. Ông bày tỏ quan ngại trước tình trạng giá gạo tăng và đề xuất gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm bình ổn hóa giá ngô và lúa mì.