LHQ quan ngại về tình hình tại Nam Sudan

(VOH) - Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) hôm 2/8 đã bày tỏ quan ngại về tình hình tại Nam Sudan. Những vụ xung đột gần đây tại quốc gia châu Phi này đã khiến 60.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn tại các nước láng giềng.

Nhiều người dân tập trung ở khu vực biên giới giữa Nam Sudan và Uganda để chạy trốn xung đột (Ảnh: UNHCR)

Phát biểu tại buổi họp báo ở Geneve ngày 2/8, phát ngôn viên của UNHCR, bà Melissa Fleming, cho biết trong số 60.000 người đi lánh nạn, có đến 52.000 người sang Uganda, 7.000 người đến Sudan và khoảng 1.000 người đến Kenya. 

Một vài nhóm vũ trang đã lợi dụng tình hình bất ổn tại Nam Sudan để cướp bóc, giết chóc và ép buộc những người đàn ông gia nhập làm thành viên của họ.

Bà Fleming kêu gọi các bên xung đột tại Nam Sudan tôn trọng quyền được sống của người dân, đồng thời đảm bảo an toàn cho những những người dân vô tội. 

Theo số liệu của UNHCR, Nam Sudan là một trong những nước có tình trạng người dân chạy trốn xung đột nghiêm trọng nhất thế giới. Năm 2013, nội chiến nổ ra tại Nam Sudan sau khi Tổng thống Salva Kiir cách chức Phó Tổng thống Riek Machar và cáo buộc ông này âm mưu đảo chính. Hai bên sau đó thường xuyên xảy ra xung đột.

Tháng 8/2015, ông Kiir ký thỏa thuận hòa bình với phe của ông Machar sau khi Liên hợp quốc đe dọa trừng phạt nước ông.

Tháng 4/2016, dưới sự điều đình của Liên hợp quốc, ông Kiir và ông Machar đã cùng thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc. Theo đó, ông Machar giữ chức Phó Tổng thống thứ nhất trong chính phủ mới do ông Kiir lãnh đạo.

Thượng tuần tháng 7 vừa qua, lực lượng trung thành với Tổng thống Kiir và Phó Tổng thống Machar đã giao tranh dữ dội tại thủ đô Juba khiến hơn 270 người thiệt mạng, hàng chục ngàn người phải rời bỏ nhà cửa. 

Sau đó vào ngày 25/7, Tổng thống Kiir ra sắc lệnh tuyên bố cách chức Phó Tổng thống Machar. Động thái này có thể phá vỡ thỏa thuận hòa bình ký kết năm 2015 và khơi mào trở lại một cuộc nội chiến tại quốc gia châu Phi này.