Các nước như Montenegro, Bosnia, Albania và phần lớn diện tích khu vực bờ biển Croatia đã bị mất điện trên diện rộng, khiến công việc kinh doanh và cuộc sống của người dân gặp ảnh hưởng.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Montenegro, ông Sasa Mujovic, nguyên nhân sự cố do mạng lưới truyền tải điện bị quá tải bởi nhu cầu sử dụng tăng vọt trong tiết trời nắng nóng cực độ lên đến 40 độ C như hiện nay. Hệ thống cung cấp điện ở các nước Balkan vốn được kết nối với nhau do đó sự cố xảy ra đã ảnh hưởng lớn đến cả một khu vực rộng lớn ở Balkan.
Điện và internet "sập nguồn" ở 4 quốc gia nói trên vào khoảng 13 giờ ngày 21/6 (giờ địa phương), Reuters đưa tin. Các nhà cung cấp điện cho biết đã khôi phục lại mạng lưới điện vào cuối buổi chiều cùng ngày và đến chiều tối thì phần lớn những vùng bị mất điện đã có điện trở lại.
Tại Bosnia, mất điện khiến đèn giao thông không thể hoạt động đã gây ra ùn tắc nghiêm trọng ở thủ đô Sarajevo, thành phố Banja Luka và thành phố Mostar. Nhiều người dân ở Podgorica cũng không có nước sinh hoạt do máy bơm ở nhà máy không chạy do mất điện. Hệ thống điều hòa không khí cũng tê liệt và các cửa hàng kinh doanh hàng lạnh như thực phẩm bị thiệt hại.
Đài truyền hình HRT của Croatia cũng đưa tin về tình trạng nhiều ô tô chạy điện cũng bị dừng hàng loạt ở thành phố ven biển Split vì không có điện để sạc, và tiếng còi xe cấp cứu vang lên khắp nơi trong thành phố.
Albania cũng ghi nhận tình trạng mất điện trên diện rộng. Bộ Giao thông vận tải và Năng lượng Albania cho rằng việc mất điện ở nước này cũng là tình trạng chung của khu vực Đông Nam Âu do nhiệt độ tăng cao đột ngột trong đợt nắng nóng vừa qua.
Các công ty điện lực của các quốc gia này đều cố gắng khắc phục sự cố quá tải để khôi phục việc cấp điện cho người dân.
Giới chức các nước cảnh báo nắng nóng gay gắt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, đồng thời khuyến cáo người dân cần uống đủ nước, tránh ở bên ngoài khi trời nắng nóng gay gắt hoặc hạn chế ra ngoài trong khoảng từ 11h đến 17h hàng ngày.
Các nhà nghiên cứu khí tượng cho rằng, nắng nóng ở khu vực Balkan là do ảnh hưởng của luồng không khí nóng từ châu Phi, khiến nền nhiệt cao hơn nhiều so với mức nhiệt thông thường ở khu vực này vào giữa tháng 6. Ngoài ra, biến đổi khí hậu do con người gây ra cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Những năm gần đây các quốc gia ở Tây Balkan đã chứng kiến sự bùng nổ trong việc đầu tư vào năng lượng mặt trời nhằm ứng phó trước cuộc khủng hoảng năng lượng và đáp ứng mục tiêu thay thế năng lượng hóa thạch.
Mặc dù vậy, cơ sở hạ tầng cho đến nay vẫn chưa sẵn sàng cho việc triển khai nguồn năng lượng mới, hãng tin Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Năng lượng của Bắc Macedonia và các lãnh đạo liên quan cho biết.