Theo đánh giá của chuyên gia về các hệ sinh thái, một nửa số rừng ngập mặn trên thế giới có nguy cơ bị tàn phá.
Theo phân tích của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), hành vi của con người là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của chúng, trong đó rừng ngập mặn ở miền nam Ấn Độ, Sri Lanka và Maldives có nguy cơ cao nhất.
Các hệ thống ở Biển Đông, trung tâm Thái Bình Dương và phía đông Tam giác san hô xung quanh Malaysia, Papua New Guinea và Philippines được xếp vào loại có nguy cơ tuyệt chủng.
Angela Andrade, Chủ tịch ủy ban IUCN về quản lý hệ sinh thái cho biết: “Các hệ sinh thái rừng ngập mặn có khả năng đặc biệt trong việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho con người, bao gồm giảm thiểu rủi ro thiên tai ven biển, lưu trữ và cô lập carbon cũng như hỗ trợ nghề cá. Sự mất mát của chúng là thảm họa đối với thiên nhiên và con người trên toàn cầu”.
Rừng ngập mặn trên khắp thế giới thường có hàng chục loài cây và cây bụi khác nhau, là nơi trú ẩn của rất nhiều loài. Chúng đóng vai trò là vườn ươm cho cá và hỗ trợ các loài động vật có vú đa dạng như hổ, chó hoang châu Phi và lười.
Các hệ sinh thái này thu hút gần gấp ba lần lượng carbon được lưu trữ bởi các khu rừng nhiệt đới có cùng kích thước.
Khoảng 15% bờ biển trên thế giới được bao phủ bởi rừng ngập mặn, nhưng nghiên cứu cho thấy, chúng ngày càng bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao, nông nghiệp, sự phát triển dọc theo bờ biển, ô nhiễm như tràn dầu và hậu quả của việc xây dựng đập.
Các trang trại nuôi tôm hoạt động phát triển ven biển và các con đập trên sông làm thay đổi dòng chảy đều được xác định là nguyên nhân gây ra thiệt hại trước đây. Nhưng các mối đe dọa ngày càng tăng từ mực nước biển dâng cao và khủng hoảng khí hậu đe dọa sự sống còn của chúng - do tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn bão dữ ngày càng tăng .