Theo luật mới có hiệu lực vào ngày 28/6, “tất cả các khu vực tư pháp và hành chính” tại quốc gia Đông Á này sẽ áp dụng hệ thống “tuổi quốc tế” - được hầu hết thế giới sử dụng, chấm dứt nhiều năm tranh luận về các vấn đề sử dụng “tuổi Hàn Quốc” hay là “tuổi dương lịch”.
Lee Wan-kyu, Bộ trưởng Bộ Pháp chế của Chính phủ cho biết trong một cuộc họp báo đầu tuần rằng, việc tiêu chuẩn hóa độ tuổi sẽ “giảm bớt những rắc rối và tranh chấp xã hội khác nhau”.
Luật này, được Quốc hội Hàn Quốc thông qua vào tháng 12/2022 được kỳ vọng sẽ “giảm đáng kể chi phí xã hội không cần thiết do sử dụng hỗn hợp các tiêu chuẩn về độ tuổi” – ông Lee nói, đồng thời cho biết thêm, đây là cam kết chính của Tổng thống Yoon Suk-yeol.
Ở Hàn Quốc, "tuổi quốc tế" đề cập đến số năm kể từ khi một người được sinh ra và bắt đầu từ số 0 - cùng một hệ thống được sử dụng ở hầu hết các quốc gia khác.
Nhưng khi được hỏi tuổi của họ trong môi trường thân mật, hầu hết người Hàn Quốc sẽ trả lời bằng “tuổi Hàn Quốc”, có thể lớn hơn 1 hoặc thậm chí 2 tuổi so với tuổi quốc tế của họ.
Theo hệ thống tuổi Hàn Quốc (vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc), trẻ sơ sinh được coi là 1 tuổi vào ngày chúng được sinh ra, và tăng thêm 1 năm tuổi - cộng thêm vào ngày 1/1 hàng năm.
Trong một số trường hợp, người Hàn Quốc lại sử dụng "tuổi dương lịch" – là sự kết hợp giữa tuổi quốc tế và tuổi Hàn Quốc - coi trẻ sơ sinh là 0 tuổi vào ngày chúng được sinh ra và thêm 1 năm vào tuổi vào ngày 1/1.
Chính phủ cho biết, ngay cả với tiêu chuẩn mới, các hệ thống cũ vẫn sẽ được sử dụng trong một số trường hợp.
Chẳng hạn, trẻ em thường vào trường tiểu học vào tháng 3 của năm sau khi chúng tròn 6 tuổi (theo tuổi quốc tế), bất kể sinh nhật của chúng rơi vào tháng nào – điều này sẽ tiếp tục duy trì.
Luật liên quan tới các sản phẩm giới hạn độ tuổi như rượu hoặc thuốc lá cũng sẽ dựa trên năm sinh của một người, bất kể tháng nào. Điều này có nghĩa là hai người sinh vào tháng 1 và tháng 12 năm 1990 được coi là bằng tuổi nhau.
Theo luật này, mọi người được phép mua rượu bắt đầu từ năm họ tròn 19 tuổi (tính theo tuổi quốc tế).
Phương pháp tương tự sẽ tiếp tục được sử dụng cho nghĩa vụ quân sự bắt buộc của Hàn Quốc – nghĩa là mọi người đủ điều kiện dựa trên năm sinh của họ, thay vì tuổi hoặc ngày sinh cụ thể.
Bộ trưởng Lee cho biết: “Chính phủ đã quyết định ngăn chặn các trường hợp ngoại lệ ngay cả sau khi các sửa đổi có hiệu lực, vì việc quản lý các vấn đề như vậy hàng năm sẽ dễ dàng hơn”.
Nhiều cư dân có khả năng tiếp tục sử dụng hệ thống tuổi truyền thống của Hàn Quốc trong các tình huống xã hội và cuộc sống hàng ngày, như một điều bình thường. Nhưng những người khác được hoan nghênh thay đổi.
Trong một cuộc thăm dò của Bộ Pháp chế Chính phủ, 86,2% số người được hỏi nói rằng họ sẽ sử dụng hệ thống tuổi quốc tế.