Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ lần này bao gồm hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, tuần dương hạm USS Bunker Hill cùng hai khu trục hạm USS Russell và USS John Finn. Đây là lần đầu tiên nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tới Biển Đông dưới thời tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trong thời gian ở tại Biển Đông, nhóm này sẽ tiến hành diễn tập tấn công và hiệp đồng tác chiến giữa các đơn vị trên biển và trên không.
Hải quân Mỹ cho biết đây là đợt triển khai theo kế hoạch của Hạm đội 7, nhằm "bảo đảm tự do trên biển và xây dựng quan hệ đối tác phục vụ an ninh hàng hải".
Hạm đội 7 là một trong những hạm đội lớn nhất của Hải quân Mỹ, sở hữu từ 50-70 tàu chiến và tàu ngầm trên khắp Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Hạm đội 7 hoạt động và tương tác thường xuyên với 35 quốc gia hàng hải trong lúc thực hiện các sứ mệnh duy trì và bảo vệ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cởi mở và tự do.
Động thái này diễn ra chỉ một ngày sau khi Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh. Theo dự thảo được công bố trước đó, lực lượng hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng "mọi phương tiện cần thiết" để ngăn ngừa hoặc ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài.
Sự xuất hiện của nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt gây chú ý trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc - Đài Loan bất ngờ nổi sóng.
Cùng thời điểm nhóm tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông ngày 23/1, phía Trung Quốc đã có động thái điều 8 oanh tạc cơ, 4 chiến đấu cơ và một máy bay săn ngầm tiến vào Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Lực lượng phòng không Đài Loan đã cho chiến đấu cơ xuất kích để theo dõi 13 máy bay Trung Quốc, phát cảnh báo qua vô tuyến và bố trí các khí tài phòng không cho đến khi số máy bay đó rời khỏi ADIZ.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc, kêu gọi Bắc Kinh ngừng gây sức ép với Đài Bắc và tái khẳng định các cam kết của Washington.
Đáp lại lời cảnh báo từ Mỹ, tiếp tục có hơn 10 máy bay quân sự Trung Quốc vào khu vực ADIZ này, ngày thứ hai liên tiếp có động thái tiếp cận Đài Loan.