Những kỳ vọng sau Hội nghị thượng đỉnh COP26!

(VOH) - Tại COP26, lần đầu tiên kể từ sau Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các nước phải xem xét và đánh giá lại những cam kết tự nguyện giảm khí thải họ đã đặt ra.

Nhà hoạt động khí hậu trẻ người Thụy Điển Greta Thunberg hôm thứ Sáu 5/11 đã mô tả Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc ở Glasgow là một "thất bại", sau một tuần đàm phán đã làm nổi lên cái mà một số chuyên gia gọi là lời hứa mơ hồ, đó là giảm lượng khí thải.

"Không có gì là bí mật khi hội nghị thượng đỉnh COP26 là một thất bại", Thunberg, 18 tuổi, nói.

Nhà hoạt động khí hậu trẻ Thunberg cho rằng Hội nghị thượng đỉnh COP26 là một  Hàng nghìn người trẻ tuổi xuống đường tại Scotland. Ảnh mình họa

Nhà hoạt động vì môi trường Greta Thunberg với những câu chuyện rất đặc biệt của mình đang là hiện tượng trên thế giới. Tuy cô mới 17 tuổi, nhưng "chiến binh nhí" này đã tạo được sức ảnh hưởng lớn, thu hút sự chú ý từ giới truyền thông và cộng đồng quốc tế nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân.

Được biết, các đại biểu từ gần 200 quốc gia đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP26, để thảo luận về Thỏa thuận Paris 2015, nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức từ 1,5 đến 2 độ C bằng cách giảm lượng khí thải khổng lồ.

Tại COP26 lần này, lần đầu tiên kể từ sau Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các nước phải xem xét và đánh giá lại những cam kết tự nguyện giảm khí thải họ đã đặt ra. Hơn 100 thành viên đã đề xuất mục tiêu mới, được gọi là mức đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC), nhưng các chuyên gia hầu như đã không còn tin tưởng như trước. Họ cho rằng những NDC mới vẫn không đủ sức ngăn chặn nỗi ám ảnh nóng lên toàn cầu vượt tầm kiểm soát.

Hội nghị thượng đỉnh COP26 tập trung thảo luận các nội dung chính như: Giải pháp đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào giữa thế kỷ 21; Đảm bảo duy trì mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 1,5 độ C trong giai đoạn công nghiệp hóa; Bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên; Đảm bảo quỹ tài chính về biến đổi khí hậu; Lên kế hoạch chi tiết thực hiện Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu cũng như thảo luận những khả năng hợp tác về đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi các chi phí lớn cho chuyển đổi sản xuất, phát triển, triển khai công nghệ mới và chuyển đổi cơ cấu xã hội. Để hỗ trợ các nước đang phát triển năng lực thích ứng, Quỹ toàn cầu về biến đổi khí hậu được lập ra.

Theo Công ước khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) năm 2009, các nước phát triển đã nhất trí huy động 100 tỷ USD hàng năm từ năm 2020. Lần này, các bên sẽ cùng thảo luận để xem xét lại cơ chế và các kế hoạch mới giai đoạn đến năm 2025.

Hơn thế, để đạt được mục tiêu giảm thiểu và trung hòa khí thải carbon, các chính phủ cần phải thay đổi cơ bản cách thức điều hành mọi mặt kinh tế - xã hội và sinh hoạt cuộc sống. Cũng giống như nhiều chính phủ thời gian qua đã ứng phó với đại dịch Covid-19 bằng nguồn lực tài chính chưa từng có, cuộc khủng hoảng môi trường cũng đòi hỏi phải có biện pháp ứng phó khẩn cấp. Tiến trình này sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí ở hiện tại nhưng sẽ mang lại những lợi ích lâu dài, bền vững như việc làm, giảm thiểu ô nhiễm không khí, cải thiện điều kiện sống và đặc biệt là sức khỏe của người dân.

Tuần đầu tiên của Hội nghị đã có một số quốc gia thông báo ngừng sử dụng than và chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài, nhưng rất ít chi tiết được đưa ra về cách họ lên kế hoạch để ngăn chặn điều mà các nhà khoa học cho là cần thiết.

Theo một số chuyên gia, thì lĩnh vực tài chính khí hậu dự kiến sẽ trở thành một trong những vấn đề khó khăn nhất tại COP26 này.

Bình luận