Những thiên đường bị tàn phá do du lịch

(VOH) - Du lịch là con dao hai lưỡi: Một mặt nó đem lại sự nhận thức về những tài nguyên xinh đẹp của thế giới cùng với những nguồn lợi kinh tế không thể chối bỏ cho dân cư địa phương. Mặt khác ngành công nghiệp màu mỡ này cũng đem lại những lượng khách du lịch khổng lồ, vô tình phá hủy cảnh tiên nơi họ đến chiêm ngưỡng.

Gần đây khi có tin Thái Lan sẽ ngưng tiếp khách du lịch ở Koh Tachai vì lượng người ngập ngụa đang phá hủy cảnh tự nhiên, chúng ta hãy nhìn lại những địa điểm nổi tiếng đã và đang mất dần "tài sản" do thiên nhiên ban tặng.

 

Quần đảo Phi Phi, Thái Lan

 

Ảnh: giuliodisturco.photoshelter.com

 

 

Từ khi nổi danh từ bộ phim The Beach, thiên đường nhiệt đới này phải chịu sức ép nặng nề từ dòng khách du lịch đông vô kiểm soát.

Koh Phi Phi và những hòn đảo xung quanh đón tiếp 1.4 triệu khách mỗi năm. Những rặng san hô đã bị phá hủy gần hết vì tàu neo đậu và những thợ lặn. Môi trường biển tự nhiên cũng không còn ‘tự nhiên’ nữa do khí thải từ tàu bè và chất thải không qua xử lý của triệu triệu du khách.

Đảo Cozumel, Mexico

 

 

Cũng như Phi Phi, đảo Cozumel được biết đến vì những bãi biển dài típ tắp và những rặng san hô rực rỡ. Nơi đây đã từng rất yên bình cho đến khi nó trở thành nơi neo đậu cho các du thuyền đắt giá.

Ngày nay nó là địa điểm đón tiếp nhiều du thuyền thứ nhì thế giới. Tương tự như trên, rặng san hô mong manh đã không chịu nổi sức ép từ ô nhiễm, tàu bè làm tăng nhiệt độ dòng nước, càng khiến tình hình trầm trọng hơn.

Bali, Indonesia

 

Địa điểm trăng mật nổi tiếng toàn cầu này đang chịu nhiều hậu quả từ phá rừng, do lượng khách tăng cao và dân số cũng theo thế tăng lên.

Du lịch tăng trưởng cấp số nhân nhưng hạ tầng thì theo không kịp, hậu quả là những núi chất thải không biết tống đi đâu.

 

 

Galapagos islands, Ecuador

 

 

Tuy không phải rầm rộ như những ‘thiên đường’ kể trên, hàng ngàn du khách vẫn kéo đến đây mỗi năm để chiêm ngưỡng hệ thống động thực vật độc đáo và môi trường sơ khai.

 

Dù vậy, hệ sinh thái hòn đảo này cực kỳ nhạy cảm với sức ép từ bên ngoài, không phải từ lượng khách khổng lồ, mà là từ những loài động thực vật mà họ mang theo.

 

Vậy nên giờ thì quần đảo Galapagos đã được đưa vào danh sách di sản thế giới của Unesco.

 

Sân thượng của thế giới: Everest

 

Kể từ khi Edmund Hillary và Tenzing Norgay chinh phục đỉnh Everest năm 1953, hàng chục ngàn người đã leo tới trạm đầu và 7.000 người đã leo được tới đỉnh.

 

Sau trận tuyết lở khiến nhiều người thiệt mạng năm 2014 và một năm tiếp theo là động đất ở Nepal, lượng khách du lịch chựng lại trong vòng 2 năm nhưng đến năm nay đã bắt đầu tăng trở lại.
 

Những người leo núi đem theo dụng cụ, thức ăn, đồ nhựa, đồ thiếc, đồ nhôm, thủy tinh, quần áo, giấy và lều. Không phải thứ gì cũng được dọn sạch về.


Vệ sinh thực ra mới là vấn đề lớn nhất - khoảng 11.000 kg chất thải người được dọn mỗi năm, rồi bạn hãy tưởng tượng còn lại bao nhiêu không được dọn và còn nằm lại trên núi.