Tại sao trong thảm họa Itaewon tỷ lệ nữ giới tử vong cao hơn nhiều so với nam giới?

(VOH) - Trong số 154 trường hợp tử vong bởi thảm họa giẫm đạp tại Itaewon (Hàn Quốc) đêm 29/10, có gần 2/3 là nữ giới. Tại sao một vụ tai nạn như vậy lại gây tử vong cho nữ giới nhiều hơn nam giới?

Vụ đám đông giẫm đạp trong lễ hội Halloween xảy ra vào cuối tuần trước ở Itaewon, Hàn Quốc – tính đến nay đã thống kê được 154 trường hợp tử vong, trong đó có tới 98 nạn nhân là nữ giới, trong khi chỉ có 56 nạn nhân là nam giới. Khoảng cách giới tính đáng kể khiến nhiều người tự hỏi “tại sao vụ tai nạn lại gây tử vong cho nữ giới nhiều hơn nam giới?”.

Theo The Korea Herald, tại thời điểm xảy ra vụ giẫm đạp, tỷ lệ giới tính của đám đông vẫn chưa rõ ràng, nhưng một số chuyên gia y tế cho biết, những người có khung cơ thể nhỏ hơn và thể lực kém hơn dễ bị tổn thương hơn trong tình huống như vậy.

giẫm đạp
Lực lượng chức năng đưa các nạn nhân về khu vực tập trung (Ảnh: The Washington Post)

Theo Viện dịch vụ Y tế Quốc gia Hàn Quốc, đàn ông nước này cao trung bình 170,6 cm và nặng 72,7 kg, trong khi phụ nữ Hàn Quốc trung bình cao 157,1 cm và nặng 57,8 kg.

Park Jae-Sung, giáo sư phòng chống hỏa hoạn và thảm họa tại Soongsil Cyber ​​cho rằng: “Sức lực để chống lại áp lực cũng như khả năng được hồi sức của phụ nữ nói chung yếu hơn nam giới, đó có thể là lý do tại sao có nhiều nạn nhân nữ hơn”.

Giáo sư khoa học G. Keith Still, Đại học Suffolk (Anh) cũng chia sẻ trên New York Times, nhìn chung phụ nữ có khung hình nhỏ hơn nam giới nhưng lại có nhiều khối cơ thể hơn ở phần ngực trên. Ông nói: “Nếu có áp lực tác động ở đó, sẽ có nhiều khối lượng đẩy vào bên trong hơn, gây bất lợi cho phụ nữ".

Cũng lưu ý thêm, đàn ông có nhiều sức mạnh phần trên cơ thể hơn - đây là yếu tố dẫn đến việc họ luôn có ưu thế “thoát khỏi tình huống giẫm đạp theo đúng nghĩa đen”.

Các nhân chứng và những người sống sót cho biết, họ thấy một số nam giới thoát khỏi hiện trường nhanh nhờ vào việc chen được vào các cửa hàng liền kề con đường dốc xảy ra tai nạn, trong khi phụ nữ không thể làm vậy.

giẫm đạp
Một con phố ở Itaewon sau vụ giẫm đạp khiến 154 người thiệt mạng (Ảnh: Yonhap)

Xem thêm: Làm sao để sống sót khi tham gia các lễ hội đông người, chen chúc, giẫm đạp?

Hong Ki-jeong, giáo sư y học cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul – người tham gia hoạt động cứu hộ cho biết, hầu hết các trường hợp tử vong dường như do ngạt tim. Nói một cách đơn giản, những người này bị đè chặt đến mức không thở được và họ bị ngạt đến chết.

Ông nói với truyền thông địa phương: “Khi các nhân viên cứu hộ đến giải cứu, hầu hết nạn nhân không phản ứng với hô hấp nhân tạo, họ đã bị ngạt thở dẫn đến tử vong. Nhiều người đã bị tổn thương não do ngạt thở, vì vậy các biện pháp cấp cứu chỉ có tác dụng hạn chế”.

Giờ vàng để cấp cứu các trường hợp tim ngừng đập là trong vòng 5 phút đầu tiên, sau đó sẽ xảy ra tổn thương não. Sau 10 phút, tổn thương sẽ trở thành vĩnh viễn. Trong trường hợp xảy ra thảm họa Itaewon, khoảng thời gian quan trọng như vậy đã trôi qua với hầu hết các nạn nhân vì lực lượng cứu hộ phải mất vài phút để kéo họ ra khỏi đống thi thể.