Đăng nhập

Thái Bình Dương đối mặt nguy cơ siêu động đất và siêu sóng thần

00:00
00:00
00:00
VOH - Các nhà khoa học Mỹ vừa đưa ra cảnh báo về một hiểm họa thiên nhiên đáng sợ tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương.

Đó là siêu động đất và siêu sóng thần có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, đe dọa hàng triệu người và để lại hậu quả kinh hoàng.

Theo nghiên cứu được công bố trên The Washington Post, khu vực đới hút chìm Cascadia, trải dài từ Bắc California (Mỹ) đến đảo Vancouver (Canada), đang tích tụ năng lượng từ sự va chạm của các mảng kiến tạo. Chính hiện tượng này được xác định là nguyên nhân gây ra hầu hết các trận động đất lớn trong khu vực.

song thanXem toàn màn hình
Ảnh minh hoạ: Jiji Press/AFP

Các nhà khoa học chỉ ra rằng mảng Juan de Fuca đang chìm xuống dưới mảng lục địa Bắc Mỹ với tốc độ tương đương tốc độ mọc của móng tay người. Khi năng lượng tích tụ đạt mức đỉnh điểm, một trận động đất mạnh có thể xảy ra, kéo theo sóng thần khổng lồ nhấn chìm các vùng ven biển, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về người và của.

Báo cáo của Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang Mỹ (FEMA) năm 2022 cho thấy:

  • Một trận động đất kéo dài 5 phút tại khu vực này có thể khiến hơn 600.000 tòa nhà bị hư hại hoặc sụp đổ.
  • 13.800 người thiệt mạng và hơn 100.000 người bị thương.
  • Thiệt hại kinh tế có thể lên tới 134 tỉ USD.

Đặc biệt, trong vòng 10.000 năm qua, ít nhất 19 trận động đất lớn đã được ghi nhận tại đới hút chìm Cascadia. Đây là một trong những vùng có nguy cơ động đất cao nhất thế giới, nơi các nhà khoa học vẫn chưa thể dự đoán chính xác thời điểm xảy ra thảm họa.

Những lời cảnh báo này gợi nhớ về trận động đất 9,1 độ Richter tại Nhật Bản vào ngày 11-3-2011, gây ra sóng thần cao hơn 40m, tàn phá khu vực Fukushima và các vùng lân cận. Thảm họa này cướp đi sinh mạng của gần 16.000 người và để lại những bài học đắt giá về sự chuẩn bị trước thiên tai.

Trước nguy cơ hiện hữu, các chuyên gia kêu gọi chính phủ và người dân trong khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương cần nâng cao cảnh giác, xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp. Đặc biệt, việc thiết kế lại cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo sớm là những yếu tố sống còn để giảm thiểu thiệt hại.

Bình luận