Chờ...

Thủ tướng Nhật Bản quay lại bệnh viện trong ngày đánh dấu là thủ tướng tại vị lâu nhất

(VOH) – Trong ngày đánh dấu là người giữ vị trí thủ tướng lâu nhất, Thủ tướng Shinzo Abe đã quay trở lại bệnh viện hôm 24/8 nơi trước đó 1 tuần ông đã đến kiểm tra sức khỏe.

Thủ tướng Abe, 65 tuổi, cho biết ông đã đến bệnh viện Đại học Keio ở Tokyo để được thông báo về kết quả kiểm tra sức khỏe trước đó và làm thêm các xét nghiệm phụ, một quan chức chính phủ cho biết.

Lặp lại quyết tâm tiếp tục làm việc với vai trò lãnh đạo quốc gia giữa lúc có nhiều đồn đoán về tình trạng sức khỏe, ông Abe cũng gửi lời cảm ơn đến người dân Nhật Bản vì đã ủng hộ ông mạnh mẽ trong các kỳ bầu cử trong một phát biểu ngắn với báo giới sau bốn giờ tại bệnh viện.

Thủ tướng Shinzo Abe đã quay trở lại bệnh viện hôm 24/8 nơi trước đó 1 tuần ông đã đến kiểm tra sức khỏe. Ảnh: Kyodo News

Abe, người đã đánh dấu 2.799 ngày liên tục trên cương vị thủ tướng, phá kỷ lục trước đó của người chú Eisaku Sato, cho biết: “Chính trị không phải là việc một người đã tại vị bao nhiêu ngày, mà là những gì người đó đã đạt được. "Tôi đã cống hiến hết mình mỗi ngày để thực hiện những điều mà tôi đã cam kết với mọi người."

Những lời đồn đoán về tình trạng sức khỏe của ông Abe, ban đầu được kích hoạt sau khi một tạp chí đưa tin ông đã nôn ra máu hồi tháng 7, đã tiếp tục lan rộng khi hôm 17/8 vừa qua ông đã dành hơn bảy tiếng đồng hồ trong bệnh viện.

Hồi đầu ngày, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga, người phát ngôn hàng đầu của chính phủ, đã tìm cách xua tan suy đoán, nói trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng ông vẫn gặp ông Abe hàng ngày và không nhận thấy có gì khác biệt.

Sau khi nhiệm kỳ đầu vào năm 2006-2007 bất ngờ kết thúc bởi căn bệnh viêm loét đại tràng, dường như ông Abe đã khỏe mạnh hơn nhiều khi trở lại nắm quyền vào năm 2012 với sự trợ giúp của một loại thuốc mới, dù chính phủ của ông cũng dường như cũng đang “mắc bệnh” sau các vụ bê bối chấn động nhiều năm gần đây.

Dưới chính sách kinh tế “Abenomics”, Nhật Bản đã thiết lập mục tiêu lạm phát cao hơn và thực hiện nới lỏng tiền tệ không giới hạn cũng như chi tiêu lớn cho các công trình công cộng.

Trung bình chứng khoán Nikkei của nước này đã tăng lên trên 20.000 điểm từ mức dưới 10.000, đó là khi Đảng Dân chủ Tự do, do Abe lãnh đạo, trở lại nắm quyền vào tháng 12/2012 và tình trạng việc làm sẵn có đã được cải thiện.

Sự phục hồi kinh tế và một sự phản đối chính trị manh mún đã giúp Abe vượt qua các vụ bê bối về chủ nghĩa thiên vị về việc chính phủ bán giảm giá đất nhà nước cho Moritomo Gakuen, một nhà điều hành trường học có liên hệ với vợ ông Abe, và quyết định phê duyệt xây dựng một khoa mới của Học viện Giáo dục Kake điều hành bởi bạn của mình.

Tuy nhiên các tác động tích cực của các chính sách kinh tế này đã bị giảm sút nhiều trong giai đoạn bùng phát đại dịch COVID-19, và tỷ lệ ủng hộ ông Abe đã giảm xuống dưới 40% so với tỷ lệ 62% tại thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, khi ngày càng có nhiều sự chỉ trích về hành động ứng phó của ông đối với khủng hoảng COVID-19.

Chương trình 46,6 tỷ yên (440 triệu USD) của chính phủ để phân phối khẩu trang bằng vải - vốn nhanh chóng được đặt tên "Abenomask", một cách chơi chữ của "Abenomics" và có nghĩa là "mặt nạ của Abe" trong tiếng Nhật - đã tỏ ra không được công chúng yêu thích vì khẩu trang chất lượng kém và giao hàng chậm.

Với sự bùng phát trở lại gần đây của virus SARS-CoV-2 ở Tokyo, câu hỏi vẫn là liệu Nhật Bản có thể đăng cai Olympic và Paralympic Tokyo, ban đầu được lên kế hoạch vào mùa hè này nhưng đã bị hoãn lại một năm, trong nhiệm kỳ của Abe với tư cách là người đứng đầu Đảng LDP và thủ tướng đến tháng 9/ 2021.

Có 172 quốc gia và khu vực tham gia chương trình Vaccine ngừa COVID-19 của WHO - Mục tiêu của chương trình là cung cấp cho thế giới ít nhất 2 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả vào trước cuối năm 2021.

Nổ đường ống dẫn khí gas ở Syria, nghi do khủng bố - Ngày 24/8, một vụ nổ đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên lớn ở Syria đã bất ngờ xảy ra khiến cả nước mất điện. Vụ việc được cho là do bị tấn công khủng bố.