Trung Quốc nóng kỷ lục, heo chết ngạt, cá “chết cháy”

VOH - Kể từ tháng 3, nhiệt độ ở hàng chục thành phố của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục theo mùa.

Đợt nắng nóng đã leo thang trong những ngày gần đây, với một số thành phố ở tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên phải hứng chịu nhiệt độ kỷ lục trên 40 độ C.

Theo Cục Khí tượng Trung Quốc, đến ngày 31/5, 578 trạm thời tiết quốc gia đặt tại các thành phố khác nhau trên cả nước đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất từ ​​​​trước đến nay vào thời điểm này trong năm.

nóng kỷ lục
Khách du lịch cầm dù tham quan Thượng Hải trong đợt nắng nóng vào ngày 29/5 năm 2023 - Ảnh: Getty Images

Các khu vực trải qua nhiệt độ cao kỷ lục và mưa lớn của Trung Quốc đã báo cáo về tình hình vật nuôi và cây trồng bị ảnh hưởng, làm dấy lên lo ngại về an ninh lương thực tại quốc gia này.

Heo, thỏ và cá chết vì nhiệt độ quá cao, còn những cánh đồng lúa mì ở miền trung Trung Quốc bị ngập lụt do lượng mưa lớn nhất trong một thập kỷ. Giới chức lo ngại, hạn hán có thể tấn công lưu vực sông Dương Tử, vùng trồng lúa chính của Trung Quốc trong những tháng tới.

Tại một trang trại ở phía đông tỉnh Giang Tô, hàng trăm con heo đã chết trong tuần này sau khi mất điện đột ngột vào ban đêm – do điều kiện nhiệt độ quá cao và không khí lưu thông kém.

Đợt nắng nóng cũng được cho là nguyên nhân giết chết một số lượng lớn cá chép nuôi sống trên các cánh đồng lúa ở khu vực phía tây nam Quảng Tây. Người dân nói với tờ South of China Today rằng, cá của họ đã bị “thiêu chết” khi nhiệt độ nước tăng cao do thời tiết nóng.

Giá đầu thỏ, một món ăn đặc trưng ở Tứ Xuyên đã tăng mạnh trong những ngày gần đây do nhiệt độ cao khiến thỏ tại các trang trại chết nhiều, dẫn đến nguồn cung khan hiếm hơn. 

Theo số liệu của hiệp hội công nghiệp, đầu thỏ cay là món ăn đường phố phổ biến ở tỉnh phía Tây Nam, nơi người dân tiêu thụ hơn 200 triệu đầu thỏ mỗi năm.

Điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng đã ảnh hưởng đến khu vực trồng lúa mì lớn nhất của Trung Quốc.

Mưa lớn làm ngập các cánh đồng lúa mì ở Hà Nam, một tỉnh miền trung chiếm 1/4 sản lượng của Trung Quốc, vào tuần cuối cùng của tháng 5, chỉ vài ngày trước thời điểm thu hoạch. Mưa khiến một số loại ngũ cốc nảy mầm hoặc bị mốc. Vụ mùa bị hủy hoại chiếm 20% sản lượng thu hoạch của một số nông dân trong cả năm, theo China Media Group.

Theo ước tính gần đây của trung tâm khí hậu quốc gia Trung Quốc, từ tháng 5 đến tháng 9, “hạn hán và lũ lụt có thể xảy ra đồng thời” với nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan hơn như mưa lớn và sóng nhiệt.

Theo một ước tính chính thức, trong vài tháng tới, lượng mưa ở vùng trung lưu của sông Dương Tử hùng vĩ chia đôi đất nước có thể giảm đáng kể. Điều đó có thể dẫn đến hạn hán và ảnh hưởng đến vụ lúa của khu vực.

Lưu vực sông Dương Tử cung cấp hơn 2/3 lượng gạo của Trung Quốc, một loại lương thực chính trong và ngoài nước.