Với việc gia nhập CPTPP, Anh chính thức trở thành thành viên thứ 12 của khối thương mại này. Anh ký hiệp ước tham gia CPTPP từ tháng 7/2023.
Với sự gia nhập của Anh, CPTPP chiếm 15% tổng GDP thế giới và có dân số hơn 500 triệu người.
Theo hãng tin Kyodo, đây là thỏa thuận thương mại lớn nhất được Anh ký kết kể từ khi nước này rời Liên minh châu Âu (gọi tắt là Brexit). Việc gia nhập CPTPP đồng nghĩa Anh có thể áp dụng quy tắc thương mại của khối và giảm thuế quan với 8 thành viên từ ngày 15/12: Brunei, Chile, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Riêng với Malaysia và Brunei, CPTPP là thỏa thuận thương mại tự do đầu tiên giữa họ và Anh.
Giới chức Anh kỳ vọng việc tham gia CPTPP sẽ mang lại cho nền kinh tế đang suy yếu của nước này khoảng 2 tỷ Bảng mỗi năm (tương đương 2,5 tỷ USD) khi các doanh nghiệp Anh có thể tiếp cận với thị trường hơn 500 triệu dân.
Anh thời gian qua cũng tìm cách thúc đẩy thương mại với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hiệp định thương mại tự do toàn diện song phương mà nước này ký với Nhật Bản đã có hiệu lực vào năm 2021.
Ngoài khía cạnh kinh tế, CPTPP còn mang lại lợi ích chiến lược cho Anh khi cho phép nước này tác động lên việc liệu các nền kinh tế khác có được gia nhập hay không.
Costa Rica là quốc gia nộp đơn tiếp theo trải qua quá trình gia nhập, trong khi Indonesia cũng đặt mục tiêu tương tự.
Được thành lập vào năm 2018 và đóng góp khoảng 15% GDP toàn cầu, CPTPP hiện quy tụ 2 thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) là Canada và Nhật Bản, cùng với các nước Anh, Australia, New Zealand, Mexico, Peru, Chile, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam.