Ảm đạm thị trường băng đĩa tết

(VOH) - Cách đây gần chục năm, mỗi khi đến mùa tết, thị trường băng đĩa lại sôi động hơn bao giờ hết. Các hãng băng đĩa đua nhau trình làng những album đặc sắc nhất. Nhưng 5 năm trở lại đây, các hãng đang gặp vô vàn khó khăn khi không thể cho ra đời những sản phẩm băng đĩa bởi thói quen nghe nhìn bằng CD, VCD hay DVD đã lùi vào dĩ vãng.

Ảnh minh họa: phunuonline

Băng đĩa ế ẩm vì công nghệ số

Trong những ngày đầu năm mới 2016 và chuẩn bị đón tết Bính Thân, dạo quanh các cửa hàng băng đĩa trên địa bàn TPHCM, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi các CD, DVD nhạc xuân hay hài kịch đều sản xuất từ vài năm trước và chủ yếu là từ nguồn đĩa lậu.

Anh Thanh Hải - chủ cửa hàng băng đĩa trên đường Huỳnh Thúc Kháng, Q.1 không khỏi chạnh lòng khi buôn bán ế ẩm: “Băng đĩa đã chết mấy năm nay rồi. Mấy năm trước, giờ này bán mấy trăm cái mỗi ngày nhưng giờ chỉ có vài cái. Chủ yếu bán cho nhà xe hay lác đác khách vẫn thích xem đĩa và chủ yếu chỉ mua Thúy Nga Paris by night là chính”.

Nếu trước đây, các hãng băng đĩa làm ăn chân chính phải đau đầu về vấn nạn băng đĩa lậu, thì nay, cơn lốc internet đã càn quét một cách khốc liệt hơn.

Trong thời đại số, chỉ cần một chiếc smartphone nhỏ gọn có chức năng truy cập internet thì chỉ cần một cú click chuột là hàng ngàn, hàng triệu kết quả sẽ có ngay để lựa chọn, người xem có thể tải miễn phí hoặc xem miễn phí bất cứ bài hát hay chương trình mà mình yêu thích ở bất cứ nơi đâu.

Hài kịch thì phủ trên sóng truyền hình, hôm nay phát, ngày mai đã có ngay trên youtube, thậm chí có chương trình còn chưa phát sóng đã có mặt trên mạng, thì với tốc độ đó, không một hãng băng đĩa nào có thể cạnh tranh nổi.

Hơn nữa, cách phát hành âm nhạc thông qua hệ thống mạng đang trở thành thời thượng vì sự nhanh nhạy và sức lan tỏa của nó, vì vậy nhạc xuân mới hay chương trình hài kịch mới nếu có, cũng sẽ phát hành qua mạng để đáp ứng ngay nhu cầu của khán giả chứ không thể chờ đợi vài tháng mới có đĩa để xem.

Doanh nghiệp loay hoay

Trước sự xuống dốc của thị trường băng đĩa, năm nay chưa thấy đơn vị nào mạnh dạn bỏ tiền ra thực hiện chương trình mới, một vài đơn vị dè chừng chưa quyết có nên làm hay không.

Theo ông Nguyễn Minh Hiếu – Trưởng phòng sản xuất Hãng phim trẻ, vài năm nay hãng không sản xuất chương trình tết vì không thể thu hồi vốn.

Trước bài toán cạnh tranh khốc liệt, ông Phạm Quốc Thành - Giám đốc Bến Thành Audio thẳng thắn nhìn nhận, các hãng băng đĩa buộc phải thay đổi để sinh tồn và giữ thương hiệu cho mình.

“Hãng sản xuất chương trình và kinh doanh chương trình của hãng nhưng không bằng hình thức bán băng đĩa mà bán quyền phát sóng cho các đài truyền hình, kinh doanh trên các trang mạng theo hình thức hợp tác. Một nguồn nữa là làm các chương trình karaoke, lấy bản hình và bản audio bán cho các đầu máy karaoke. Về tương lai đây cũng không phải kinh doanh lâu dài nhưng mình phải duy trì hãng và thay thế bằng hình thức bán băng đĩa” - ông Thành cho biết.

Khai thác bản quyền trên mạng là xu thế mới, hướng đi mới cho các hãng băng đĩa hiện nay, tuy nhiên hệ lụy lại đặt ra là sự vi phạm bản quyền trên mạng khá phổ biến và rất nan giải, các hãng giờ sống bằng bản quyền nhưng lại không thể thu được bản quyền cho mình.

Bà Thu Dung - Chủ tịch Hiệp hội Ghi âm Việt Nam cho biết, Hiệp hội phải đấu tranh để thu tiền tác quyền, nếu không thu sẽ mất trắng và có nguy cơ phá sản.

“Chúng tôi hiệp sức lại, hỗ trợ lẫn nhau tìm mọi biện pháp bảo vệ bản quyền của mình và tìm cách khai thác các bản ghi mình sản xuất ra một cách hiệu quả để mong thu hồi lại ít vốn, lỗ chắc chắn là lỗ nhưng không lẽ không làm.” – Bà Dung chia sẻ.

Băng đĩa lậu đã không thể kiểm soát thì vi phạm tác quyền trên mạng lại càng không thể kiểm soát nổi và các hãng lại phải cạnh tranh trong cuộc chiến mới khi mà băng đĩa được thay thế bằng các phương tiện nghe nhìn khác.

Để sống còn không phải là điều dễ dàng trong thời buổi hiện nay, nhưng càng không thể ngồi yên chờ đợi, con số 70% giảm sút về số lượng phát hành trong 3 năm qua đã cho thấy sự ảm đạm và cái chết được báo trước cho thị trường băng đĩa trong một vài năm tới là điều khó tránh khỏi.