VOH: Đa số người dân Anh chọn phương án ra đi khỏi EU. Quyết định này sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Anh và EU?
PGS.TS. Nguyễn Khắc Thanh: Trước hết kết quả này là ngược hẳn với việc tăng giá trên thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ, nơi phản ánh kỳ vọng của nền kinh tế. Các nơi đều tăng điểm trước thời điểm thăm dò do nhiều người vẫn tin nước Anh ở lại.
Kết quả trưng cầu dân ý lại ngược hoàn toàn. Giới tài chính ở các nước phương Tây hoàn toàn bất ngờ vào kết quả này. Điều này có thể dẫn đến thị trường chứng khoán trong các phiên tiếp theo sẽ giảm điểm rất mạnh và tạo ra một giai đoạn "hoảng loạn" nhất định của nhà đầu tư.
Việc Anh rời EU sẽ tác động đến các nền kinh tế lớn và ảnh hưởng đến kinh tế của liên minh châu Âu trong bối cảnh EU đang cố gắng hồi phục.
Nước Anh có thể được nhiều hơn mất do nước Anh chưa dùng đồng tiền chung châu Âu, kinh tế Anh có thể phát triển tốt hơn so với phần còn lại của châu Âu.
Còn châu Âu, chắc chắn phải điều chỉnh để thích nghi với việc mất đi kinh tế Anh - một bộ phận cũng rất quan trọng.
VOH: Thời gian để thích nghi là bao lâu?
PGS.TS. Nguyễn Khắc Thanh: Cũng phải có một thời kỳ chuyển đổi, họ sẽ đàm phán với nhau để việc chia tay này giống như cuộc “ly hôn” êm đẹp nhất trong khả năng có thể, nhưng chắc cũng phải mất vài ba tháng mới có thể ngả ngũ bởi người ta cứ tin là Anh không có phương án chuẩn bị cho sự ra đi.
VOH: Động thái này của Anh sẽ tác động như thế nào đến các nền kinh tế lớn trên thế giới?
PGS.TS. Nguyễn Khắc Thanh: Với thế giới, trong bối cảnh kinh tế thế giới mới bắt đầu hồi phục chưa được chắc chắn thì đây cũng là một gáo nước lạnh dội xuống. Giới đầu tư trên thị trường chứng khoán gần như bị thất vọng.
Sau đó là ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế đang diễn ra, sức khỏe của đồng USD cũng có thể có vấn đề vì chính người Mỹ cũng muốn Anh ở lại liên minh châu Âu. Phản ứng của FED trong trường hợp này có thể lại “đông cứng”, không tăng được lãi suất.
Với các nền kinh tế lớn khác, trước hết là Nga, thì đây có lẽ là một thuận lợi, một châu Âu suy yếu bởi Anh ra đi thì cả về chính trị và kinh tế thì áp lực lên nước Nga sẽ giảm đi. Theo tôi thì nước Nga sẽ cảm thấy thuận lợi, cấm vận có thể được sớm dỡ bỏ hơn.
Những nền kinh tế liên quan nhiều đến Anh như Trung Quốc thì lại thêm một cơn tháo chạy, đầu tư ra khỏi Trung Quốc sẽ bắt đầu. Nước Anh ra khỏi EU thì dòng đầu tư sẽ đổ về nước Anh, nếu không thì dòng đầu tư sẽ chảy về Hồng Kông, rời bỏ đại lục.
VOH: Việc Anh rời EU sẽ có tác động như thế nào đến Việt Nam?
PGS.TS. Nguyễn Khắc Thanh: Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, tác động đến Việt Nam cũng không lớn, chỉ làm thay đổi đôi phần về chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Thay vì trước đây cả EU một tiếng nói thì bây giờ mình phải "nói thêm" riêng Anh nữa.
Những gì Việt Nam đã cam kết với EU thì vẫn đúng với EU, còn với nước Anh thì chắc chắn phải có sự đàm phán, xem xét lại. Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu cũng không tác động gì lớn, có thể có thêm thuận lợi nhờ nước Anh ra khỏi thì sẽ tự do hơn.
Anh là đối tác chiến lược của Việt Nam thì cũng có thể là thuận lợi cho Việt Nam trong chính sách kinh tế. Kỳ vọng như vậy.
VOH: Ông dự báo như thế nào về tương lại của đồng bảng Anh?
PGS.TS. Nguyễn Khắc Thanh: Trong bối cảnh đặc biệt này thì đồng bảng Anh có giảm xuống vì có thể bán-mua tăng đột ngột. Nhưng, đồng bảng Anh sẽ sớm ổn định trở lại.
Sụt giảm này là do có sự bất ngờ trên thị trường chứng khoán nhưng người ta sẽ lại đặt kỳ vọng hơn vào đồng bảng Anh thì nó sẽ vững giá trở lại.
VOH: Cảm ơn ông.