(VOH) - Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 400 ngàn hécta mặt nước nuôi trồng thủy sản các loại. Hàng năm, nơi đây đã cung cấp ra thị trường hơn 1,5 triệu tấn, chiếm trên 70% sản lượng thủy sản cả nước.
Trong ngành nuôi trồng thủy sản, cá tra, ba sa chiếm một số lượng không nhỏ. Tính đến nay đã có trên 6.000 hécta nuôi cá tra, ba sa tập trung nhiều ở các tỉnh, thành phố như: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang,…. Với sản lượng đạt gần 1 triệu tấn.
Những năm trước đây, người nuôi cá tra, ba sa phấn khởi vì nuôi cá mang lại lợi nhuận cao. Thế nhưng, từ mùa vụ 2006 đến nay, giá cá tra, ba sa bắt đầu sụt giảm nghiêm trọng, người nuôi thua lỗ càng nặng; hiện tượng bỏ ao, treo hầm ngày càng nhiều. Một số hộ nuôi đã bắt đầu lao đao, diện tích nuôi liên tục giảm và nguồn nguyên liệu cung cấp cho chế biến ngày càng thiếu trầm trọng, một số công ty chế biến thủy sản đóng cửa. Điều đó là một nghịch lí và cho thấy sự phát triển nghề nuôi cá tra, ba sa của đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng đi xuống, không bền vững.
Trước sự bấp bênh về con cá, nghề nuôi cá của người dân đồng bằng đang ảm đạm, chúng tôi đã thực hiện một chuyến thực tế về các tỉnh để tìm hiều về sự phát triển của nó và càng vỡ lẽ ra nhiều điều bất ngờ. Nhiều địa phương trước đây vốn được đánh giá cao về mức sống và sự giàu có thì bây giờ lại được mệnh danh như là một vùng nghèo, là cù lao nợ, là xóm xơ xác,…. Có mặt tại khu vực Thới Bình 2, phường Thới An, Quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ, nơi đây, lúc trước có gần một trăm hộ nuôi cá tra thì nay số hộ còn trụ lại với nghề chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nông dân Trần Văn Thành ngao ngán nói: Mấy năm trước tui nuôi 3 ao cá, bây giờ nuôi cầm chừng có 1 ao hơn 1 công đất với dự đoán thu hoạch khoảng 50 tấn. Cá đang phát triển tốt, còn một tháng nữa sẽ thu hoạch nhưng tin chắc là bị lỗ. Anh nêu lí do lỗ là giá thức ăn công nghiệp quá cao, gia đình phải tự mua cá biển, cám,… về tự chế làm thức ăn hàng ngày cho cá. Nhưng mà giá của 2 mặt hàng này cũng không ngừng tăng lên từng ngày, rồi giá điện, xăng dầu,… cũng tăng vù vù nên lo lắng sẽ tái diễn một mùa vụ thất bại nữa. Anh Trần Văn Thành nói:
Đến cù lao Tân Lộc, nơi mà trước đây được mệnh danh là cù lao xe hơi thì giờ đây nhiều người lại gọi bằng cù lao nợ. Bởi lẽ, người nào nuôi cá ở cù lao này cũng đều mắc nợ ngân hàng do thua lỗ từ mấy vụ cá trước. Nhìn những hầm cá bị bỏ trống mà xót xa. Nhiều hộ bày tỏ vì không có vốn đầu tư, vì lo sợ rớt giá tái diễn nên không nuôi nữa. Anh Nguyễn Văn Út Thà người dân noi đây nói vụ tới cũng cắn răng thả chứ để hầm treo thì phí quá vì ở cù lao này biết làm cái gì khác được. Anh Út Thà nói về thực trạng nuôi cá với môi trường ở đây:
Ông Lương Văn ở phường Trung Nhất, quận Thốt Nốt cũng cho biết “Tôi mới bán hầm cá hơn 50 tấn với giá trên 16.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí lỗ hơn 100 triệu đồng. Đây là mức lỗ khiêm tốn so với nhiều đại gia nuôi cá tra ở Quận Thốt Nốt. Từ đầu năm đến nay, có không ít hộ thua lỗ từ vài trăm triệu đồng đến cả tỉ đồng. Hiện tại, giá thức ăn tăng đã đẩy giá thành sản xuất nuôi lên khoảng 16 - 17 ngàn đồng/kg, trong khi giá cá có tăng nhưng chỉ khiêm tốn từ 15.200 đồng ở đầu năm lên trên 16.000 đồng thì người dân càng bị lỗ. Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa trăn trở về nghề nuôi cá:
Tại An Giang, khi đến tận những hộ nuôi cá bè, cá hầm ở TP. Long Xuyên, chúng tôi cũng nhận thấy sự xơ xác của các ao cá. Nhiều người nảy sinh sáng kiến bỏ cá để làm du lịch sinh thái nhưng liệu rằng nó có phát triển bền vững. Còn tại tỉnh Đồng Tháp, nhiều hộ dân cũng đã bỏ ao vì thua lỗ. Anh Lê Văn Triều, chi hội trưởng chi hội nuôi cá xã An Nhơn, huyện Châu Thành khá bức xúc vì sự ép giá của các doanh nghiệp. Từ một chi hội có gần cả trăm hộ nuôi, nay chỉ còn có hơn 50% hộ nuôi, riêng cả xã có vài trăm hộ thì nay chỉ còn chừng một trăm hộ nuôi. Nhiều hộ làm ao, hầm cả đất nhà lẫn thuê nhưng cũng không nuôi cá được. Riêng gia đình anh Triều nuôi 7 ao cũng bị lỗ trên 500 triệu đồng từ vụ trước. Vụ này anh chỉ nuôi cầm chừng nhưng khó có lời dù giá cá đang có xu hướng tăng. Anh Lê Văn Triều nói:
Có thể nói, trong thời gian qua, ngành thủy sản nước ta đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức. Người dân nuôi cá luôn trong tình trạng phập phòng lo sợ. Vậy thì nguyên nhân xuất phát từ đâu và giải pháp nào để phát triển nghề nuôi cá tra, ba sa bền vững hơn, mời quí vị và các bạn tiếp tục theo dõi bài 2 trong loạt bài này vào chương trình thời sự ngày mai./.
Minh Tâm