Đăng nhập

Các biện pháp hỗ trợ người dân nuôi cá tra, ba sa ở ĐBSCL

Bài 2: Để nghề nuôi cá tra, ba sa phát triển bền vững

(VOH) - Trong thời gian qua, tình hình nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra, ba sa ở ĐBSCL có lúc đến đỉnh điểm của mức báo động khi khó khăn ngày càng đè nặng lên đôi vai của người nông dân.

Hàng loạt hộ phải treo hầm vì thua lỗ, không còn vốn để đầu tư con giống, thức ăn. Nhiều hộ có nuôi thì nhìn cá đã quá lứa mà không bán được vì không có ai đến thu mua; nhiều doanh nghiệp thủy sản thì buông tay vì thiếu vốn. Nguyên nhân từ đâu? Câu trả lời đã có. Đó là do sự phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, nên mặt hàng này luôn ở tình trạng mất cân đối cung, cầu với những biến động khó lường. Nguyên nhân thì đã thấy, giải pháp thì được bàn rất nhiều, lãnh đạo từ trung ương đến địa phương đều vào cuộc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nhưng rồi đâu vẫn lại vào đó. Bởi theo một số chuyên gia trong ngành thì con cá tra, ba sa không tìm được thị trường tốt và ổn định là do một số doanh nghiệp phá giá, hạ giá thành sản xuất để  ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp bèo. Như vậy, dù nhà nước có bỏ tiền  ngân sách ra hàng chục tỷ đi nữa nhưng nếu bắt mạch không đúng bệnh thì liều thuốc nào cũng vô dụng.

Theo đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2010, toàn vùng sẽ nâng sản lượng cá nguyên liệu lên 1,5 triệu tấn. Trong đó xuất khẩu là 600.000 tấn, tiêu thụ nội địa 100.000 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,5 tỉ đôla, tạo việc làm cho 20 ngàn lao động. Đến năm 2020, sản lượng cá nguyên liệu đạt 2 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỉ đôla và tạo việc làm cho 25 ngàn lao động. Đề án này sẽ khó thực hiện được nếu như điệp khúc rớt giá cứ diễn ra như hiện nay. Theo Ông Bùi Đức Qúi, Phó cục trưởng cục nuôi trồng thủy sản, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn  thì để con cá tra, ba sa  phát triển bền vững thì cần phải quản lí đầu vào, đặc biệt là con giống, thức ăn, kiên quyết chống lại những hành vi gian lận trong nuôi trồng để đảm bảo tốt cho người nuôi và chất lượng cá thương phẩm. Ông Bùi Đức Qúi nhấn mạnh:

Nhiều chuyên gia lạc quan dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra, basa năm 2010 sẽ tăng và  có thể đạt mức  trên 1 tỷ đô la. Muốn vậy, ngay từ bây giờ, các ngành chức năng trung ương và địa phương cần thiết phải sắp xếp lại trật tự nghề nuôi và xuất khẩu thủy sản. Theo đó nên có hàng rào kỹ thuật về việc xây dựng nhà máy. Doanh nghiệp nào có năng lực, có thị trường, sản phẩm đạt tiêu chuẩn qui định... mới cho xuất khẩu, nhằm tránh tình trạng cạnh tranh nội bộ không lành mạnh. Đối với người nuôi thủy sản, những hộ nhỏ lẻ cần thiết cũng nên sang bán ao hầm cho hộ nuôi lớn có năng lực. Đây là xu thế để hình thành vùng nuôi tập trung, có đầu tư vốn, kỹ thuật đầy đủ, kiểm soát chặt đầu vào, đầu ra để tạo nguồn nguyên liệu chất lượng cao. Khi có những tập đoàn mạnh làm ăn bài bản, có trách nhiệm, có đầu tư vùng nguyên liệu  gắn kết với người nuôi thì lúc đó việc quản lý và kiểm soát giá cả, đầu vào, đầu ra sẽ dễ dàng hơn. Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.Cần Thơ cho rằng cần phải giải quyết những vấn đề tồn tại hiện nay của nghề cá. Cụ thể là cần phải quản lý tốt việc qui hoạch vùng nuôi, sản lượng cá hàng năm  và  tạo ra sự đồng thuận, liên kết bốn nhà để cùng phát triển. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL đều có chung quan điểm là tới đây sẽ không phát triển thêm sản lượng mà tập trung nâng cao chất lượng. Đảm bảo chất lượng sẽ là yếu tố hàng đầu, quyết định sự bền vững của nghề nuôi và xuất khẩu cá tra hiện nay. Ông Nguyễn Văn Quỳnh nêu rõ:

Nhiều nhà chuyên môn tin tưởng, tới đây ngành thủy sản ở ĐBSCL sẽ tiếp tục phát triển, bởi nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên thế giới rất lớn. Nếu so sánh với sản phẩm cá hồi của Na Uy, Nhật, Nga, hay cá rô phi của Trung Quốc thì cá tra, cá ba sa của nước ta vẫn chiếm ưu thế rõ rệt trên thương trường quốc tế. Vấn đề là chúng ta nhanh chóng sắp xếp, quy hoạch lại một cách căn cơ từ vùng nuôi đến sản xuất giống, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, xuất khẩu... Tất cả phải dựa trên những quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế. Để làm được điều này, Nhà nước cần đóng vai trò sẽ là nhạc trưởng để sắp xếp lại nghề cá theo hướng phát triển bền vững. Ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn lạc quan nói:

Cá tra, ba sa  đã và đang là sản phẩm đặc thù của ĐBSCL được tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn được tiêu thụ trên khắp thế giới. Vậy thì những hạn chế, bất cập từ ao nuôi cho đến bàn ăn cần phải được quan tâm nhiều hơn. Hy vọng, việc qui hoạch và nhanh chóng triển khai các biện pháp cấp bách để cứu con cá tra, ba sa ở Đồng bằng sông Cửu Long cần được Chính phủ và các địa phương chú ý để thúc đẩy ngành sản xuất này thành ngành sản xuất hàng xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL nói riêng và đất nước nói chung, nhằm mang lại nguồn thu nhập, nâng cao đời sống người dân./.

Minh Tâm

Bình luận