Con tôm vẫn số 1

(VOH) - Năm 2015, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 6,7 tỷ USD, giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, đây vẫn là một thành công trong bối cảnh giá toàn cầu giảm, thị trường tiêu thụ kém và biến động của các đồng ngoại tệ so với USD.

Tôm số 1 - hứa hẹn cá rô phi

Đầu năm 2016, ngành thủy sản ghi nhận tôm tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu giữ vị trí số 1, đạt gần 3 tỷ USD, chiếm tỷ trọng giá trị xuất khẩu 44%. Các thị trường nhập khẩu chính là Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Mặc dù tôm nuôi có thiệt hại do dịch bệnh, thời tiết bất thường... nhưng dự báo năm nay, sản lượng tôm tiếp tục duy trì và tăng trưởng ở nhiều quốc gia trong đó có nước ta. Diện tích nuôi tôm của Việt Nam hơn 600.000 ha mặt nước, sản lượng gần 450.000 tấn tôm/năm.

Ông Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú dự báo :"Năm 2016 nhu cầu tiêu dùng tôm toàn cầu sẽ tăng 3-4%. Từ đầu năm đến khoảng tháng 5 năm 2016, giá tôm sẽ tăng 15 đến 20% và tháng 11/2016 đến cuối năm sẽ giảm khoảng 5-10% “.

Chế biến thủy sản xuất khẩu - Ảnh: DNVN.

Đối với xuất khẩu cá tra, giá trị kim ngạch đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 24% tổng giá trị xuất khẩu. Đặc biệt, trong khi các thị trường chính là EU, Mỹ, Mexico giảm 4,5% đến 15%... thì xuất sang Trung Quốc duy trì tăng ổn định 50%. Diện tích nuôi cá tra ở nước ta khoảng 6.000 ha, cho sản lượng hơn 1,2 triệu tấn/năm.

Năm 2016, dự báo ngành cá tra có thay đổi như sửa đổi Nghị định số 36 về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, tập trung phát triển, quảng bá sản phẩm thị trường nội địa, áp dụng công nghệ mới giúp giảm chi phí, hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng...

Năm 2015, xuất khẩu mực, bạch tuộc và cá ngừ đạt gần 900 triệu USD.

Trong đó, thị trường Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu cá ngừ tăng, giá bán cũng cao. Hiện, Nhật Bản đang chuyển giao công nghệ đánh bắt để nâng cao chất lượng sản phẩm cá ngừ.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định : ”Công nghệ này giúp khi bắt, con cá giảm vùng vẫy; khi ngất, không dập thịt, cá chết nhanh. Tiếp theo là bảo quản, vận chuyển cá từ Quy Nhơn sang Nhật, mang tính liên hoàn, giúp tăng chất lượng”.

Chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn công nghệ đánh bắt cá ngừ đại dương cho ngư dân Bình Định - Ảnh: VNE.

Một mặt hàng xuất khẩu triển vọng trong năm nay là cá rô phi. Ngành thủy sản đặt mục tiêu vào năm 2020, diện tích nuôi khoảng 25.000 ha, sản lượng 140.000 đến 200.000 tấn/năm và xuất khẩu 80.000 tấn/năm.

Triển vọng cá rô phi xuất khẩu tăng cao là nhờ giá tốt và chất lượng bảo đảm. Khách hàng cũng đánh giá cao chất lượng cá nuôi ở nước ta. 

Phải xem lại toàn chuỗi tổ chức - sản xuất

Năm 2016, ngành thủy sản Việt Nam cần chuyển biến để đáp ứng kỳ vọng xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng.

Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhìn nhận: “Sự yếu kém nằm ở khâu tổ chức sản xuất trên toàn chuỗi. Do đó, phải tổ chức lại sản xuất, đánh giá lại những tồn tại, yếu kém trên toàn chuỗi sản xuất để chấn chỉnh ngay. 

Việc xây dựng và quảng bá thương hiệu thủy sản Việt Nam cũng chỉ thành công khi chiếm được lòng tin của người tiêu dùng và được xây dựng trên nền tảng quản lý, an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Năm 2016, toàn ngành thủy sản phấn đấu đạt tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng 6,6 triệu tấn và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 7 tỷ USD.