Đầu tư vào nông nghiệp thời TPP: Cần vai trò đột phá của doanh nghiệp

(VOH) - Đây là vấn đề được các đại biểu nhấn mạnh tại diễn đàn kinh doanh “Đầu tư nông nghiệp thời TPP” diễn ra hôm nay 21/11 tại TPHCM.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, hiện nay thu hút đầu tư của toàn xã hội vào ngành nông nghiệp rất thấp. Tổng vốn đầu tư hiện tại mới chiếm 5,4-5,6%, tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư chỉ chiếm khoảng 1% so với toàn thể nền kinh tế. Điều này cho thấy đầu tư vào nông nghiệp đang rất cần nhận được sự quan tâm đặc biệt từ xã hội, trong đó vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng khi ngành này đang thực hiện quyết liệt vấn đề tái cơ cấu. Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói:

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp chính là thành phần biết về thị trường nhiều nhất và khi biết thị trường thì doanh nghiệp mới đưa được vốn và công nghệ cần thiết để phổ biến cho nông dân. Đồng thời sẽ phối hợp cùng nông dân để đưa sản phẩm đến đúng với thị trường cần với mức lợi nhuận tốt, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của nông nghiệp VN.

Vì vậy vai trò của doanh nghiệp là rất lớn trong bối cảnh ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức từ hội nhập. Tuy nhiên để có thể hoạt động hiệu quả điều đầu tiên mà doanh nghiệp cần chú ý chính là phải biết chọn lĩnh vực đầu tư hợp lý.

Các doanh nghiệp trao đổi làm thế nào phát triển sản phẩm nông nghiệp tại diễn đàn - Ảnh: Tr.Duy.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, những mặt hàng nông sản có lợi thế cạnh tranh mà doanh nghiệp có thể chọn để đầu tư:

Bên cạnh những hạn chế từ việc đầu tư của doanh nghiệp trong nước thì vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp thời gian qua cũng hạn chế. Tính đến cuối năm 2014, tổng vốn FDI đăng ký vào VN đạt trên 252 tỷ USD và đã có hơn 17.700 dự án được cấp phép, trong đó FDI vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3,7 tỷ USD, chiếm 2,1%.

Xét riêng 3 năm gần đây thì tỷ lệ FDI trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tổng FDI đăng ký vào VN tương ứng cho từng năm là 0,6%, 0,4% và 0,6%. Điều đáng lo ngại hơn khi mà hình thức đầu tư FDI vào VN lại không cho thấy được những lợi ích mang tính lâu dài. TS Vũ Thị Minh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lo ngại:

Có thể nói, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu cho hàng nông sản VN vào các thị trường rộng lớn như Mỹ, Nhật với mức thuế gần như bằng 0%, được cắt giảm theo lộ trình. Lợi thế này cũng sẽ tạo ra sức hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới.

Nhưng ngược lại, nhiều mặt hàng nông sản của VN sẽ đứng trước nguy cơ “bại trận trên sân nhà” vì sức cạnh tranh yếu kém do chưa áp dụng công nghệ cao, quy mô sản xuất nhỏ, vốn đầu tư thấp hoặc chưa đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Vì vậy để giải quyết những bất cập đó rất cần sự sáng tạo, năng động và đột phá của doanh nghiệp trong cách thức đầu tư.