Nông nghiệp ứng phó TPP

(VOH) - Liên kết sản xuất đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng là "chìa khóa" để nông nghiệp Việt Nam có thể trụ được bởi theo các chuyên gia, một lĩnh vực chịu tác động lớn nhất từ làn sóng TPP chính là nông nghiệp.

Nông dân thay đổi tư duy

Việc cắt giảm, xóa bỏ hàng rào thuế quan chắn chắn dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng lượng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh. "Muốn cạnh tranh, chúng ta phải liên kết vì chưa thể một sớm một chiều có thể chuyển nông nghiệp từ quy mô hộ gia đình sang quy mô lớn”. TS Trần Viết Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP thừa nhận. Hình thức có thể là hợp tác xã hoặc tổ hợp tác. 

Chăn nuôi là lĩnh vực có nguy cơ dễ bị tổn thương nhất khi vào TPP. Để ứng phó, việc phát huy những loại hình sản xuất mà chăn nuôi VN có thế mạnh là rất quan trọng. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định : "Vào TPP, Hoa Kỳ, Cannada, Newzealand, Úc đều có không gian và trình độ chăn nuôi lớn hơn chúng ta. Để giảm sự yếu thế này, phải tái cơ cấu ngành chăn nuôi và phát huy những thế mạnh của chúng ta".

Hiện nhiều nơi, kỹ thuật canh tác của bà con thấp, dẫn đến giá thành cao, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được quan tâm đầy đủ. Trong bối cảnh đó, nông dân không còn con đường nào khác là phải thay đổi tư duy. “Phải thấy thế giới người ta sản xuất được giá thành rẻ, còn mình sản xuất giá thành đến đâu và cái gì dẫn đến giá thành đó - nông dân phải tự điều chỉnh để đáp ứng thị trường.” Ông Kiều Minh Lực, Giám đốc Di truyền giống - Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam đề nghị.  

Ảnh minh họa - Nguồn: Vietq

Phải hội nhập cơ chế

PGS-TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn II thì cho rằng, nếu không khắc phục được tình trạng sản xuất nông sản không an toàn, ngành nông nghiệp chẳng những không tận dụng được cơ hội mà còn bị “nhấn chìm”.

Ngoài ra, muốn thành công trước hết phải hội nhập thể chế quản lý. PGS-TS Vũ Trọng Khải nhận xét: "Việt Nam đi sau, có lợi thế học được kinh nghiệm để xây dựng nhanh các thể chế quản lý kinh tế vĩ mô. Nhưng làm điều đó đòi hỏi kế hoạch dài hơi. Trước mắt, tất cả chính sách hiện hữu phải nghiêm chỉnh thi hành cái đã ! Tôi ví dụ đã có Nghị quyết ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp nhưng hỏi doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, nhất là doanh nghiệp đóng vai trò lãnh đạo của chuỗi giá trị ngành hàng, họ có được hưởng chính sách ưu đãi này không ? Câu trả lời là không".

Cũng theo PGS-TS Vũ Trọng Khải, ngoài những vấn đề trên, Nhà nước cần có chính sách tài chính - tín dụng khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao như: miễn, giảm thu thuế doanh nghiệp trong vài năm đầu, cho vay lãi suất thấp, tài trợ kinh phí khuyến nông, kinh phí chứng nhận GlobalGAP, kinh phí nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ cao.... Chính phủ cần nghiên cứu triển khai công nghệ cao trong chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, tạo ra nền nông nghiệp công nghệ cao. Phải xác định thị trường, khách hàng mục tiêu - tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu ở những mức độ khác nhau chứ không chạy theo doanh số xuất khẩu như hiện nay.