Đẩy mạnh phát triển thị trường mua bán nợ

(VOH) - Tình hình nợ xấu tại các doanh nghiệp và các ngân hàng là vấn đề được nhắc đền nhiều nhất trong năm 2012. Theo kết quả thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của của hệ thống ngân hàng hiện chiếm khoảng 8,8% tổng dư nợ, tương đương hơn 250.000 tỷ đồng. Để giải quyết khối nợ xấu này, nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp tốt nhất hiện nay là thành lập công ty mua bán nợ quốc gia. Tuy nhiên, cần rất nhiều cơ chế chính sách để công ty này hoạt động hiệu quả.
 Sau 8 năm hoạt động, công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp mới chỉ thực hiện được 121 vụ mua bán nợ và tài sản  trị giá 8000 tỷ đồng.ảnh minh họa: LĐO

Hiện nay, tại Việt Nam đã có Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính làm nhiệm vụ mua lại nợ xấu và cơ cấu lại tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước và khoảng 20 công ty mua bán nợ tư nhân trực thuộc các ngân hàng thương mại. Song trên thực tế hoạt động của các công ty này vẫn chưa hiệu quả. Với số vốn khiêm tốn, Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp khó lòng đáp ứng nhu cầu xử lý nợ xấu khổng lồ và cấp bách của nền kinh tế. Sau 8 năm hoạt động, công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp mới chỉ thực hiện được 121 vụ mua bán nợ và tài sản với giá trị tương đương khoảng 8.000 tỷ đồng.

Còn các công ty mua bán nợ trực thuộc các ngân hàng thì quy mô quá nhỏ, không đủ năng lực và công cụ xử lý các khoản nợ xấu của nhau. Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên HSBC, nhìn nhận: "Một số ngân hàng đang sử dụng các công ty mua bán nợ do mình thành lập thường là để lách một số quy định của Ngân hàng Nhà nước nên sẽ không giải quyết được cái gốc của nợ xấu. Bên cạnh đó, các công ty mua bán nợ này không đủ nguồn lực để giải quyết nợ xấu của toàn bộ hệ thống, đồng thời không một ngân hàng nào chấp nhận khoản lỗ trong sổ sách của mình. Vì vậy, cần phải có áp lực từ Chính phủ để tạo sức ép lên các ngân hàng thông qua công ty mua bán nợ quốc gia để giải quyết nợ xấu cho nền kinh tế".

Theo các chuyên gia kinh tế, thời điểm này Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp cần được nâng tầm cả về quy mô vốn, phạm vi hoạt động và kỹ năng chuyên môn để trở thành một công ty mua bán nợ quốc gia. Công ty mua bán nợ quốc gia sẽ giám sát hoạt động của các công ty mua bán nợ tư nhân như mô hình tổ chức của hệ thống ngân hàng hiện nay. Ngoài ra, việc xử lý và mua bán nợ xấu cần được thực hiện theo nguyên tắc thị trường. Đồng thời, phải phát triển các thị trường vốn, thị trường mua bán, sáp nhập và khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế cũng như thuê các công ty định giá chuyên nghiệp của nước ngoài. Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, đề nghị: "Công ty mua bán nợ theo cơ chế thị trường và có sự can thiệp của Nhà nước, điều kiện để có thể làm được là phải có sự đánh giá khách quan các tài sản của ngân hàng. Việc mua lại nợ phải được thực hiện hoàn toàn công khai minh bạch, nếu không thì với tình trạng nợ xấu lớn như tại Việt Nam thì rất có thể xảy ra tình trạng công ty mua bán nợ sẽ trợ giúp cho các công ty sân sau".

Một điều đặc biệt là công ty mua bán nợ quốc gia này nên tồn tại trong thời hạn nhất định từ 5- 7 năm vào thời điểm nợ xấu thực sự báo động để tránh tình trạng lợi ích nhóm về sau. Bên cạnh công ty mua bán nợ quốc gia thì cũng cần khuyến khích thành lập các công ty mua bán nợ tư nhân hoạt động độc lập với ngân hàng. Nói về kinh nghiệm điều hành và hoạt động của các công ty mua bán nợ tại các quốc gia khác, ông Phạm Mạnh Thường, phó tổng giám đốc Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp, cho biết: "Những chế tài này, thực ra kinh nghiệm của các quốc gia đi trước đã có hết rồi, chúng ta có thể học tập vận dụng. Và nó chỉ được áp dụng trong một giai đoạn nhất định để xử lý vấn nạn nợ xấu cao. Khi nợ xấu đã được xử lý thì chúng ta sẽ quay trở về với các quy chế thông thường theo các bộ luật liên quan đến các giao dịch thực sự, những chế tài đặc thù sẽ hết hiệu lực".

Việc tháo gỡ nút thắt nợ xấu là một bước quan trọng trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Do đó, để xử lý nợ xấu có hiệu quả thì cần phải có một định chế đủ mạnh về pháp lý, hạn chế tối đa chi phí can thiệp của Nhà nước và cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành./.