Doanh nghiệp còn xa lạ với phòng vệ thương mại

(VOH) - Thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh, hàng hóa Việt Nam xuất nước ngoài phải chịu đến 98 vụ phòng vệ thương mại, trong đó có đến 59 vụ chống bán phá giá. Gần đây, số vụ phòng vệ thương mại mà Việt Nam phải chống đỡ ngày càng tăng. Trung bình, mỗi tháng Việt Nam phải đối diện với 1 vụ phòng vệ thương mại.

Trong ASEAN, Thái Lan, Malaysia và Indonesia sử dụng nhiều nhất các vụ kiện chống bán phá giá như biện pháp phòng vệ thương mại.

“Các nước coi phòng vệ thương mại là một chiến lược kinh doanh và sử dụng rất thành thạo. Chấp nhận tốn chi phí và coi đó là bảo vệ thị trường nội địa, bảo vệ sự phát triển của doanh nghiệp. Còn ở Việt Nam, doanh nghiệp lại hơi lạ với phòng vệ thương mại, nhiều doanh nghiệp chưa biết để sử dụng hoặc có biết mà chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa đúng cách”, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen phân tích.

Nguyên nhân còn phải kể, doanh nghiệp chưa nhận thức phòng vệ thương mại là công cụ được Nhà nước cho phép áp dụng, chưa chủ động, không đầu tư nguồn lực cũng như quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm rõ quy định của WTO và các nước dẫn đến chọn biện pháp không phù hợp..

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cá tra và tôm chiếm hơn 50% giá trị xuất khẩu thủy sản nhưng hàng năm, 2 mặt hàng này đều bị điều tra chống bán phá giá tại Hoa Kỳ. Từ năm 2004, chúng ta có pháp lệnh liên quan chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ nhưng đến nay Việt Nam mới thực hiện 3 vụ tự vệ và 1 vụ chống bán phá giá đối với hàng nhập vào Việt Nam. 

Một doanh nghiệp xuất khẩu tôm tại Việt Nam (ảnh minh họa: Vietq)

Với xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng, các vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại ngày càng tăng. Các sản phẩm bị điều tra không tập trung ở nhóm hàng kim ngạch xuất khẩu cao hay thế mạnh mà còn cả mặt hàng kim ngạch thấp. Ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng cục quản lý cạnh tranh, nhấn mạnh:  “Chính phủ Việt Nam nói chung, các ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương phải tính toán. Đặc biệt, Cục Quản lý Cạnh tranh phải bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, thực thi tốt chức năng quản lý trong cạnh tranh. Cần thiết và khi có đầy đủ yếu tố thì phải áp dụng mạnh mẽ công cụ phòng vệ thương mại theo quy định của Việt Nam cũng như của tổ chức thương mại thế giới”

Theo các chuyên gia, khi xảy ra vụ kiện thì chủ động thuê luật sư theo đuổi. Hợp tác chặt chẽ với cơ quan trong nước để nhận được sự tư vấn kịp thời. Doanh nghiệp phối hợp trong những vụ kiện liên quan đến phòng vệ thương mại. Đó là xu thế tất yếu của hội nhập. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lưu ý: “Doanh nghiệp Việt Nam phải liên kết lại trong cùng ngành hàng. Trong kinh doanh, phải chuẩn bị sổ sách chứng từ kế toán và hành trang pháp lý để cùng tham gia. Đối với doanh nghiệp Việt Nam chủ động đề phòng là phù hợp nhất”.

Bình luận