Doanh nghiệp được chứng nhận GAP nhưng thị trường không biết

(VOH) - Theo thống kê của ngành nông nghiệp, tiêu dùng thực phẩm bình quân đầu người ở nước ta gần 5,8 triệu đồng/đầu người/năm, với mức tăng trưởng gần 4%/năm 2015.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo chung tay xây dựng nền sản xuất thực phẩm an toàn, minh bạch diễn ra sáng nay (16/6).

Hiện cả nước có 29.500 trang trại sản xuất nông lâm nghiệp và gần 750 công ty chế biến thực phẩm. Tính đến nay, số lượng nhà sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn vẫn còn thấp và khác biệt giữa các cơ quan đơn vị liên quan, trong đó, ngành trồng trọt xác nhận gần 1.600 cơ sở đạt GAP; Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế công nhận hơn 1.800 công ty đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh; tại tỉnh Bình Dương có chưa đến 5% trang trại đạt GAP... Thế nên Hội thảo là bước đầu tiên để thảo luận, chia sẻ, trao đổi giữa các doanh nghiệp với nhau, để thống nhất ý tưởng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng Ban Vận động thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho biết, hiện nay có không ít nhà sản xuất được chứng nhận GAP hay các chứng nhận khác nhưng thị trường không biết đến họ vì họ không có đủ năng lực, kiến thức để phát triển thị trường nếu đơn lẻ.

Theo ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM, thị trường TP hàng năm tiêu thụ khoảng 400.000 tấn rau củ quả, hơn 120.000 heo thịt, hơn 1,2 triệu con gia cầm. Vì vậy, trong thời gian qua, TP đã tổ chức liên kết với các địa phương hình thành và quản lý các chuỗi thực phẩm an toàn để cung ứng sản phẩm cho thị trường TP; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên nguồn thực phẩm đưa về TP tiêu thụ tại các chợ đầu mối nông sản.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh nhận định: “Bên cạnh vai trò quản lý nhà nước, nếu người sản xuất chủ động liên kết, cùng nhau thực hiện các chuẩn mực, đã có cơ chế kiểm soát nội bộ để cùng kiểm sóat, xây dựng uy tín cho sản phẩm sạch và phát triển ra thị trường thì quản lý nhà nước chỉ hỗ trợ thêm”.