Doanh nghiệp TPHCM bức xúc với bất động sản

(VOH) – Ngày 6/6, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa chủ trì hội nghị giữa Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND Thành phố với Hiệp hội bất động sản Thành phố.

Ảnh minh họa: TTO 

Theo dự báo của ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP, thị trường bất động sản 7 tháng còn lại năm 2016 sẽ cạnh tranh hơn 5 tháng đầu năm nhưng nhìn toàn cục năm 2016, thị trường bất động sản có xu thế chững lại và vẫn tiềm ẩn yếu tố bất ổn, đáng chú ý là tiền sử dụng đất.

Theo ông Châu, tiền sử dụng đất là nguồn thu ngân sách rất lớn của Thành phố, trong thời gian qua có nhiều chủ đầu tư phải xếp hàng chờ đợi được nộp tiền sử dụng đất, trong lúc ngân sách Thành phố rất cần bổ sung nguồn vốn này.

Vấn đề cấp bách là cần cải tiến quy trình, thủ tục thu tiền sử dụng đất với mức thu hợp lý, rút ngắn thời gian (hiện nay phải trên dưới 01 năm) và loại trừ tệ nạn nhũng nhiễu do cơ chế “xin – cho”.

Quy trình xác định tiền sử dụng đất hiện không hợp lý vì do 2 Sở thực hiện:

Sở Tài nguyên Môi trường đấu thầu qua mạng chọn công ty tư vấn xác định giá đất để đề xuất tính tiền sử dụng đất của dự án. Chi phí xác định giá đất do ngân sách chi trả, nên gần như các công ty tư vấn đều bỏ giá rất thấp (thậm chí chỉ vài trăm ngàn đồng) để được trúng thầu, sau đó có thể xảy ra trường hợp công ty tư vấn sẽ làm tình làm tội chủ dự án, nếu khó xơi thì công ty tư vấn bỏ của chạy lấy người.

Sở Tài chính (Ban Vật giá) có nhiệm vụ thẩm định đề xuất tính tiền sử dụng đất dự án do Sở Tài nguyên Môi trường chuyển qua. Sau đó, trình Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định số tiền sử dụng đất phải nộp; ngược lại sẽ trả hồ sơ làm lại từ đầu.

Quy trình này không hợp lý, mất rất nhiều thời gian.

“Kiến nghị UBND TP chỉ giao một Sở sẽ rút ngắn thời gian, giải tỏa hồ sơ tồn đọng, tạo điều kiện cho chủ đầu tư sớm đưa dự án vào thực hiện và không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Khâu thẩm định số tiền sử dụng đất phải nộp cũng chính là mảnh đất béo bở, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, đề nghị Lãnh đạo Thành phố quan tâm, giám sát, đặc biệt là quản lý cán bộ” - Ông Châu đề nghị.

Hiệp hội còn kiến nghị bổ sung thêm khoản 4 vào điều 4 dự thảo "Nghị định quy định bổ sung một số nội dung về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất" để xử lý trường hợp doanh nghiệp đã tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân với giá thị trường, được Ủy ban Nhân dân phường, xã, hoặc cơ quan công chứng chứng thực, sau khi được cơ quan thẩm định giá thẩm định thì được trừ vào số tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển mục đích nhưng mức khấu trừ không vượt quá số tiền sử dụng đất phải nộp.

Sau khi nghe các kiến nghị từ Hiệp hội, các doanh nghiệp, Thành phố ghi nhận, đánh giá rất cao doanh nghiệp bất động sản trong các năm qua.

Thành phố cam kết luôn luôn đồng hành, chia sẻ, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sẽ tạo môi trường kinh doanh tốt nhất, tạo được sự cạnh tranh lành mạnh, mong các doanh nghiệp tiếp tục nâng cao năng lực của mình trong thời hội nhập, nghiên cứu kỹ thị trường, nghiên cứu các chương trình đột phá của thành phố để thấy được khả năng năng lực của mình.

Bí Thư Thành ủy – Đinh La Thăng đề nghị: "Rà soát lại toàn bộ quy hoạch, công bố công khai các quy hoạch chung của thành phố trong đó có lĩnh vực bất động sản, rà soát lại các dự án đến thời điểm hiện nay, chứ không riêng gì 2007 hay 2010, không để quy hoạch treo hoặc quá lâu thì phải thu lại, có điều chỉnh bổ sung cho phù hợp, lưu ý khi điều chỉnh phải dựa trên cơ sở hết sức chặt chẽ, các chuẩn mực để đảm bảo sự chặt chẽ của quy hoạch, 1 thành phố mà định hướng phát triển quy hoạch phải cả trăm năm chứ không thể 5 năm, 10 năm hay 20 năm được”.

Bí thư Đinh La Thăng còn đề nghị các quận huyện tập trung cải cách hành chính, coi đây là giải pháp đột phá giúp doanh nghiệp, từng sở ngành phải nêu cụ thể mục tiêu cải cách, phải rõ ràng minh bạch để người dân và doanh nghiệp biết; những gì bất hợp lý, quy định của thành phố bất hợp lý thì phải thay đổi, cần phải cụ thể hóa các quy định bằng văn bản pháp luật.