Giá thép thế giới tiếp tục tăng trở lại
Giá thép ngày 16/2 giao tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng 47 nhân dân tệ lên mức 4.791 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát vào lúc 9h50 (giờ Việt Nam).
Bảng giá giao dịch tương lai của một số kim loại trên Sàn Thượng Hải (Đơn vị: nhân dân tệ/tấn)
Vào hôm thứ Ba (15/2), giá quặng sắt kỳ hạn lao dốc, kéo dài mức giảm mạnh vào một ngày trước đó, Reuters đưa tin.
Nguyên nhân xuất phát từ những lo ngại của các thương nhân về sự kìm kẹp của Trung Quốc, với việc Bắc Kinh cảnh báo sẽ hành động chống lại sự lan truyền của thông tin sai lệch về giá cả.
Theo đó, hợp đồng quặng sắt DCIOcv1 giao tháng 5/2022, được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc, giảm 10% xuống 699 nhân dân tệ/tấn (tương đương 110,08 USD/tấn).
Đây là mức giao dịch thấp nhất của hợp đồng này theo ghi nhận kể từ ngày 18/1.
Tương tự, hợp đồng quặng sắt SZZFH2 giao tháng 3/2022 trên Sàn giao dịch Singapore (SICOM) cũng đã giảm mạnh 13,8% xuống 127,90 USD/tấn.
Trong cùng ngày, giá thép cây xây dựng trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) giảm 2,8%, giá thép cuộn cán nóng giảm 2,7%, trong khi giá thép không gỉ tăng 1,4%.
Các nhà chiến lược hàng hóa của ANZ cho biết: “Giá quặng sắt kỳ hạn tiếp tục chịu áp lực trong bối cảnh Trung Quốc quyết tâm hạn chế việc tăng giá đầu cơ”.
Việc bán tháo phản ánh sự lo lắng ngày càng tăng của nhà đầu tư khi nhà hoạch định nhà nước của Trung Quốc, cùng với cơ quan quản lý thị trường, sẽ triệu tập các nhà giao dịch quặng sắt trong và ngoài nước cho một cuộc họp vào ngày 17/2 nhằm nỗ lực đảm bảo sự ổn định của thị trường.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã tăng gấp đôi cảnh báo đưa ra vào tuần trước nhằm chống lại các nhà cung cấp thông tin không xác định mà họ cho rằng họ đang ngụy tạo giá quặng sắt.
Trong nỗ lực phối hợp để hạ nhiệt một đợt phục hồi bền vững, khi giá quặng sắt DCE đạt mức cao nhất trong hơn 5 tháng vào tuần trước, Sàn DCE đã thông báo tăng phí giao dịch đối với các hợp đồng tương lai giao tháng 2 đến tháng 5.
Dữ liệu từ công ty tư vấn SteelHome cho thấy, giá quặng sắt 62% tiêu chuẩn giao ngay tại Trung Quốc đã giảm trở lại, giao dịch ở mức 149 USD/tấn vào hôm thứ Hai (14/2), từ mức cao nhất trong 6 tháng là 152,50 USD vào tuần trước.
Giá thép trong nước tăng
Giá thép tại miền Nam
Thép Pomina tăng mạnh giá bán, với thép cuộn CB240 tăng 660 đồng chạm mức 17.560 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 cũng tăng 660 đồng có giá 17.760 đồng/kg.
Thép Việt Mỹ, dòng thép cuộn CB240 tăng 310 đồng lên mức giá 16.870 đồng/kg; với thép thanh vằn D10 CB300 hiện ở mức 16.970 đồng/kg.
Thương hiệu thép Tung Ho tăng mạnh giá bán, vượt ngưỡng 17.000 đồng/kg. Với dòng thép cuộn CB240 chạm mức 17.050 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 17.200 đồng/kg.
Thép Hòa Phát hiện đang ở mức giá cao nhất trong vòng 30 ngày qua. Với dòng thép cuộn CB240 ở mức 17.020 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 17.120 đồng/kg.
Giá thép tại miền Bắc
Theo SteelOnline.vn, thép Việt Mỹ đã điều chỉnh tăng giá, với thép cuộn CB240 tăng 310 đồng lên mức 16.920 đồng/kg; dòng thép thanh vằn D10 CB300 tăng 300 đồng lên mức 17.020 đồng/kg.
Thương hiệu thép Hòa Phát giữ nguyên giá bán sau khi tăng vào ngày hôm qua, với 2 sản phẩm của hãng gồm thép cuộn CB240 hiện ở mức 17.020 đồng/kg; với thép thanh vằn D10 CB300 có giá 17.120 đồng/kg
Thép Việt Ý, với thép cuộn CB240 hiện có giá 16.970 đồng/kg; còn dòng thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 17.070 đồng/kg - đều là những mức giá cao tính từ ngày 18/1 tới nay.
Thương hiệu thép Việt Đức hôm nay đã ngừng tăng, giữ nguyên giá bán, với dòng thép cuộn CB240 ở mức 17.000 đồng/kg. Thép thanh vằn D10 CB300 sau khi tăng mạnh, hiện có giá 17.310 đồng/kg;
Thép Việt Nhật, dòng thép cuộn CB240 ở mức 17.000 đồng/kg. với thép thanh vằn D10 CB300 có giá bán 17.100 đồng/kg;
Thép Việt Sing, bao gồm dòng thép thanh vằn D10 CB300 có giá 16.800 đồng/kg; dòng thép cuộn CB240 ở mức 16.600 đồng/kg.
Giá thép tại miền Trung
Thép Việt Mỹ tại thị trường miền Trung đã điều chỉnh tăng giá, với dòng thép cuộn CB240 hiện ở mức 16.970 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 17.020 đồng/kg.
Thép Pomina tăng mạnh giá bán 610 đồng, hiện dòng thép cuộn CB240 chạm mức 17.660 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 hiện có giá bán 17.810 đồng/kg.
Thép Hòa Phát tại thị trường miền Trung, với thép cuộn CB240 ở mức 17.070 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 17.220 đồng/kg.
Thép Việt Đức với 2 sản phẩm của hãng gồm thép cuộn CB240 hiện dừng ở mức 17.100 đồng/kg; với thép thanh vằn D10 CB300 có giá 17.410 đồng/kg;
Ngành thép Việt với triển vọng tiếp tục tăng trưởng vượt trội năm 2022
Theo bản cập nhật về triển vọng ngắn hạn cho năm 2022 của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), nhu cầu thép sẽ tăng thêm 2,2% lên 1.896,4 triệu tấn.
Động lực chính vẫn là các nước phát triển với mức tiêu thụ thép ước tăng 4,3% do GDP phục hồi và đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt tại Mỹ với dự luật cơ sở hạ tầng được đề xuất là 1,2 nghìn tỷ USD, điều này có thể làm tăng mức tiêu thụ thép của Mỹ hàng năm khoảng 3% -5%
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn hạn chế việc sản xuất thép do chính sách hạn chế khí thải vẫn tiếp tục và mặt bằng giá thép vẫn ở mức cao tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thép Việt Nam tiếp tục phát triển.
Với một số FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP,... được thực thi, đã mang đến những tín hiệu tích cực cho ngành thép khi thêm thị trường xuất khẩu mới với sự tăng trưởng cao.
Ngoài ra, ngành thép Việt Nam có thể hướng tới phát triển thép "xanh", đáp ứng các tiêu chuẩn của EU khi thị trường này áp thuế khí thải cho các sản phẩm xuất khẩu. Với việc 2021 làm bàn đạp khi xuất khẩu thép đạt kỉ lục, thép Việt Nam kì vọng sẽ tiếp tục thuận lợi trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc (thuận lợi về vị trí địa lý), châu Âu, Mỹ và Indonesia. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu của Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ sụt giảm do các nguyên nhân sau:
Trung Quốc nới lỏng kiểm soát công suất sản xuất thép trong năm 2022, do sản lượng thép thực tế cắt giảm trong nửa cuối năm 2021 cao hơn so với yêu cầu ban đầu của chính phủ.
Các biện pháp bảo hộ có thể được tiến hành tại các thị trường xuất khẩu, bao gồm ASEAN, châu Âu và Bắc Mỹ đối với thép Việt Nam. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có nhiều kinh nghiệm thắng kiện như ở Australia và Mỹ.
Sự phục hồi tích cực của sản xuất thép thế giới. Trên thực tế, sản lượng sản xuất ở Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và Nhật Bản tăng khoảng 17% -19% so với cùng kỳ trong 11T2021. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, sản lượng thép (trừ Trung Quốc) dự kiến sẽ tăng 5% trong năm 2022.
Giá thép hiện tại vẫn giữ ở mức cao hơn nhiều so với thời điểm đầu năm 2021, tuy nhiên có khả năng điều chỉnh khoảng 7% -10% so với mức trung bình năm 2021.
Các yếu tố nêu trên dự báo làm lợi nhuận các doanh nghiệp thép Việt Nam điều chỉnh giảm so với mức đỉnh năm 2021 do mức tăng trưởng sản lượng có thể sẽ không bù đắp hết cho sự thu hẹp của biên lợi nhuận. Tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng, lợi nhuận 2021 của các doanh nghiệp thép đều tăng 2-3 lần so với cùng kì 2020.
Thép Hòa Phát điển hình đầu ngành, lợi nhuận 2021 gấp hơn 2,5 lần 2020. Hầu hết các công ty đã đạt 100% công suất hoạt động trong nửa cuối năm 2021, nên mức tăng trưởng sản lượng tiêu thụ chỉ khiêm tốn từ 2% -10% trong năm 2022 (thấp hơn tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2020-2021). Do đó, lợi nhuận của các công ty thép có thể giảm từ 10% - 40% so với mức đỉnh năm 2021 - đặc biệt là từ Q2/2021, tuy nhiên vẫn sẽ cao gấp 1,5-2 lần trung bình năm 2020.
Các công ty nhỏ hơn và có biên lợi nhuận hẹp hơn có thể có mức sụt giảm nhiều hơn so với các công ty sản xuất hàng đầu.
Tuy nhiên nếu định giá theo P/E, giá cổ phiếu các doanh nghiệp thép vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng giá tính toán doanh thu và lợi nhuận trên mức ổn định và vẫn tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2022.