Giải pháp giúp doanh nghiệp có thị trường bán lẻ

(VOH) - Thị trường Việt Nam (VN) hiện nay đang phát triển các kênh bán lẻ gồm: 2.000 siêu thị, 600.000 điểm bán là cửa hàng bách hóa ven đường, có trên 2 triệu điểm quán ăn, giải khát.

Ngoài ra, còn có 3 kênh khác là nhà hàng, khách sạn, karaoke và kênh cuối cùng là các đơn vị về dược, nhà thuốc… Trong đó, siêu thị, các cửa hàng tiện ích hiện nay chiếm khoảng 25% thị trường bán lẻ. Còn lại các kênh khác chiếm khoảng 75%. Trong tương lai, theo xu hướng chung của các nước trong khu vực, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ dự kiến tăng trưởng khoảng 45%. Các kênh phân phối khác sẽ giảm xuống khoảng 55%.

Những thông tin này được các lãnh đạo sở ngành, các doanh nghiệp chia sẻ tại tọa đàm “Giải pháp giúp doanh nghiệp có thị trường bán lẻ” diễn ra ngày 1/7 do Câu Lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn và Trung tâm Xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp tổ chức với 200 doanh nghiệp tham dự.

Ảnh minh họa: VNN

Nâng chất kênh phân phối

Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, xuất phát điểm của VN là nền kinh tế kế hoạch, do đó, suy nghĩ của doanh nghiệp và người tiêu dùng VN thường cho rằng, cứ sản xuất tốt, chất lượng tốt là bán được sản phẩm, điều này không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Khi sản xuất ra mà hàng tồn kho, không bán được sẽ gây tổn thất cho doanh nghiệp. Do vậy, kênh phân phối cần được hiểu đúng “giá trị” đối với sự tồn tại của một doanh nghiệp. Nếu hệ thống phân phối không tốt thì sẽ không bán được hàng.

Năm 2010, Vissan có khoảng 1.000 đại lý bán lẻ trên toàn quốc, nhưng doanh số vẫn dậm chân tại chỗ với khoảng 4.000 tỷ đồng/năm, nguyên nhân là do các đại lý bán hàng quá thụ động. Từ nguyên nhân này, Vissan đã tái cấu trúc lại kênh phân phối, hình thành 116 nhà phân phối với 130.000 điểm bán trên toàn quốc, kiểm soát hệ thống phấn phối thông qua phần mềm quản lý. Vissan đã tạo điều kiện để nhà phân phối được mua hàng trả trước 50%, thỏa thuận mức chiết khấu hợp lý hai bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, để hệ thống bán lẻ ở VN được phát triển tốt hơn, Tổng Giám đốc Công ty Vissan – ông Văn Đức Mười đề xuất: “Các hiệp hội, doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau thảo luận làm cách nào để các nhà bán lẻ hoạt động theo chuỗi, tạo sản phẩm mang tính khác biệt thì mới chi phối được thị trường và sẽ không bị các nhà phân phối chi phối, lúc này chúng ta mới phát triển được. Như vậy, muốn bán lẻ, không phải bán lẻ đơn thuần mà phải nghĩ đến việc từ sản xuất đến kinh doanh theo chuỗi”.

Từ năm 2000 đến nay, thị trường VN được quan tâm rất lớn của các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia. Đặc biệt là sau khi VN gia nhập WTO từ 7/11/2006 và các cam kết của VN với WTO có hiệu lực từ 11/1/2007, mở cửa thị trường bán lẻ từ ngày 1/1/2009, các nhà bán lẻ 100% vốn nước ngoài tham gia đầu tư vào thị trường VN ngày càng nhiều.

Hiện thị trường VN đã thu hút 4 tập đoàn bán lẻ nằm trong Top 20 của thế giới như: Metro, Casino Group, Lotte, và EMart. Chính sự góp mặt của những tập đoàn bán lẻ này đã dẫn đến xu hướng toàn cầu hóa các mặt hàng từ nhiều nơi khác nhau dựa trên thế mạnh của từng thương hiệu; tạo đòn bẩy trong cạnh tranh đối với doanh nghiệp bán lẻ VN.

Liên kết mở rộng thị trường

Là đơn vị kinh tế tập thể góp mặt vào thị trường bán lẻ VN, Saigon Co.op sở hữu 82 Co.opmart, khoảng 100 Co.op Food, 2 đại siêu thị Co.op Extra, 1 kênh Tivi Coop homeshoping chuyên bán hàng Việt và một số kênh phân phối khác. Trong thời gian tới, Saigon Co.op sẽ hợp tác với các doanh nghiệp Việt để liên kết mở rộng thị trường. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng đang tiến hành tái cấu trúc, tổ chức lại các khâu tiếp cận đầu vào về mua hàng, sử dụng các dịch vụ.

“Chúng tôi lựa chọn một mức chiết khấu vừa phải, đảm bảo cho các doanh nghiệp, vận hành mạnh mẽ sử dụng những kiến thức, kinh nghiệm trong bán lẻ để có điều chỉnh cho phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của VN”, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho hay.

Dự kiến đến tháng 9/2016, các khâu tiếp nhận, mua hàng, những quy định, quy trình của Saigon Co.op sẽ có những thay đổi cho phù hợp và có lợi cho doanh nghiệp Việt. Song song đó, Saigon Co.op đa dạng hóa các mô hình, trong đó kênh HTV Co.op sẽ công bố những chính sách đảm bảo giá gốc để các doanh nghiệp cùng tham gia, quảng bá trên kênh này.

Ngoài ra, mô hình “Co.opmart phân khúc cao” chuyên bán những hàng Việt chất lượng, mô hình thương mại điện tử… cũng ra đời. Trong tháng 7 này, Saigon Co.op sẽ tổ chức hội nghị các nhà cung cấp theo từng nhóm đặc thù khác nhau để bàn các giải pháp cùng phát triển.

Nhà nước tiếp sức

Bên cạnh nỗ lực của các nhà bán lẻ nội địa, về phía nhà nước cũng có nhiều cơ chế chính sách cải cách, thúc đẩy, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt phát triển. Đối với cơ quan thuế, bà Trần Thị Lệ Nga, Phó Cục Trưởng cục thuế TP cho biết, năm 2014 có rất nhiều Luật cải cách hỗ trợ cho người nộp thuế, thuế giá trị gia tăng và thuế doanh nghiệp. 

Bà Nga thông tin: “Chúng tôi áp dụng tiếp một giải pháp là nộp thuế điện tử. Trước đây doanh nghiệp phải ra kho bạc, đến ngân hàng để nộp thuế, thì bây giờ, cơ quan thuế kết nối với các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp đăng ký tại đây và đến kỳ nộp thuế, chỉ cần ở nhà chuyển giấy nộp tiền đến tài khoản của ngân hàng, số tiền đó tự động được chuyển vào tài khoản chuyên thu của cơ quan thuế. Hiện cục thuế TP cũng đang thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế”.

Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ mà các bộ ngành đang triển khai thực hiện. Ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Cục Trưởng Cục Xuất Nhập Khẩu Bộ Công Thương cho rằng: “Hiện nay, doanh nghiệp có thể làm được ngay là áp dụng quản trị điện tử điều hành trong doanh nghiệp, làm sao tiết kiệm chi phí, thời gian, bỏ bớt giấy tờ, ngay cả Bộ Công thương hiện nay cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh dịch vụ hành chính công trên mạng để giúp cho các doanh nghiệp.

Về phía Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của thị trường thế giới, phổ biến các kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến hội nhập kinh tế, quốc tế, Trước đó Bộ cũng đã ký nhiều Hiệp định thương mại để các doanh nghiệp có đầu ra để xuất khẩu, đồng thời nhập khẩu nguyên phụ liệu rẻ hơn để nâng cao sản xuất”.

Để doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường bán lẻ trong nước, kích thích tiêu dùng nội địa, bản thân mỗi doanh nghiệp Việt phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh, liên kết hợp tác giữa các địa phương – giữa các doanh nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm – dịch vụ chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Có như vậy, doanh nghiệp bán lẻ nội địa mới phát triển bền vững, đóng góp vào nền kinh tế chung của đất nước.

Bình luận