Hành trình 4 năm tái cơ cấu ngân hàng

(VOH) - Gần 4 năm thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (giai đoạn 2011-2015), việc tái cơ cấu được triển khai theo đúng mục tiêu, định hướng và lộ trình, đạt được một số kết quả đáng kể.

Ngân hàng Nhà nước đã xử lý được 11 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém thông qua hợp nhất, sáp nhập, mua lại. Ảnh minh họa: VietNamnet

Năm 2011, khi Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực, hệ thống ngân hàng Việt Nam bắt đầu tái cơ cấu theo Đề án 254 ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, giai đoạn 2011- 2014 tập trung chủ yếu xử lí các ngân hàng yếu kém, các ngân hàng thiếu thanh khoản. Giai đoạn 2015 là sự nâng cấp mới của sắp xếp và tái cơ cấu hệ thống.

Về cơ bản, các mục tiêu đến năm 2015 trong đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã được thực hiện. Đến nay, thành công nổi bật nhất là đảm bảo được tính thanh khoản hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ, tạo ổn định ngành, tạo điều kiện để ổn định kinh tế vĩ mô. Các nhóm mục tiêu quan trọng tiếp theo: mua bán, sáp nhập các tổ chức tín dụng; tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu; cơ cấu lại hoạt động và quản trị cũng đạt được những kết quả ban đầu.

Trong gần 4 năm tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm được 17 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua sát nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép hoạt động. Nhờ triển khai quyết liệt, đến nay Ngân hàng Nhà nước đã xử lý được 11 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém thông qua hợp nhất, sáp nhập, mua lại. Các tổ chức tín dụng yếu kém đã được kiểm soát và tái cơ cấu theo phương án phù hợp của Chính phủ và quy định của pháp luật. Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, đánh giá:" Quá trình tái cơ cấu, nếu như nhìn lại thời điểm ban đầu đến bây giờ thì tôi thấy rằng có 4 điểm nhấn. Thứ nhất, đặc biệt là không để xảy ra đổ vỡ hệ thống. Thứ hai, hệ thống thanh toán, giao dịch gần như không bị tắc nghẽn. Thứ ba, trong 4 năm vừa qua tín dụng vẫn tăng trưởng. Cuối cùng, trong bối cảnh như vậy thì chúng ta vẫn kiểm soát được lạm phát và chúng ta cũng tạo đà để giảm lãi suất cũng như ổn định tỷ giá".

Trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã có những giải pháp khá căn cơ với những ngân hàng hoạt động kém hiệu quả. Phương án này được giới chuyên môn đánh giá cao. Ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh, cho rằng:" Ngân hàng Trung ương bất đắc dĩ phải làm đó là dùng quyền lực của mình mua 0 đồng đối với những ngân hàng yếu kém và sau đó tiến hành kiểm tra toàn bộ về nợ, chỉ tiêu tài chính, cấu trúc tài chính, tổ chức, vay mượn, tài sản thế chấp,… Trên nền tảng đó, mới có đủ thông tin để cho các nhà đầu tư muốn mua quan tâm. Hoặc Ngân hàng Trung ương có thể giao lại cho một ngân hàng quốc doanh, hiện thì các ngân hàng quốc doanh cũng đã nhận ra thực chất vấn đề như thế nào. Tôi đánh giá rằng, đây là một biện pháp nhanh và thông minh để tái cấu trúc nhanh những ngân hàng có nguy cơ đổ bể hệ thống như vậy".

Nợ xấu từng bước được giải quyết hiệu quả. Đến thời điểm cuối tháng 9/2015, ngành ngân hàng cơ bản hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, khẳng định:" Nợ xấu đã được xử lý một bước căn bản, cho đến nay, nợ xấu còn khoảng 3%. Tất cả những kết quả về tái cơ cấu và xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã tạo điều kiện một cách tốt nhất cho hệ thống các tổ chức tín dụng giảm mặt bằng lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".
 

Ngành ngân hàng cũng quyết liệt xử lý sở hữu chéo, các biểu hiện lũng đoạn thị trường. Các ngân hàng sau khi được xử lý đều hoạt động theo đúng lộ trình tái cơ cấu, thanh khoản ổn định, tiền gửi được củng cố và tăng lên, nợ xấu giảm. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục xử lý. PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định:" Tái cơ cấu ngân hàng là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian. Kết thúc chương trình này, đối với hệ thống ngân hàng vẫn còn nhiều việc phải làm. Ví dụ như nợ xấu, chúng ta vẫn cứ phải giải quyết, nợ xấu không phải là câu chuyện tồn đọng trong ngân hàng mà nó còn gắn với hệ thống doanh nghiệp, phải nhìn cả 2 phía đó để tháo gỡ tiếp. Thứ hai, bản thân hệ thống ngân hàng vừa rồi dọn dẹp khá tích cực, quyết liệt, nhiều ngân hàng yếu kém do quá trình thành lập vội vàng, luật lệ không chặt chẽ lắm nên bung ra quá mức, không kiểm soát được nên sinh ra câu chuyện yếu kém hệ thống".

 Đáp ứng yêu cầu hội nhập, ngành ngân hàng còn rất nhiều việc phải làm. Ảnh minh họa: VietNamnet

Đáp ứng yêu cầu hội nhập, ngành ngân hàng còn rất nhiều việc phải làm. Đặc biệt đến năm 2020 sẽ phát triển được hệ thống các tổ chức tín dụng đa năng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.